Từ bí mật đến... bí mật
Tuổi cao gương sáng 10/04/2024 08:56
Ngày 1/4/1947, cậu bé Ngô Quang Xem cùng hai bạn lớn tuổi hơn từ làng quê Tràng Bạch, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trốn nhà tòng quân. Ngay đêm ấy, ba chàng trai (hai lớn, một bé) ngược Đèo Khế lên Bắc Giang tìm đến một đơn vị bộ đội xin nhập ngũ. Chỉ có hai bạn lớn tuổi là Đo và Suốt được ghi tên vào đơn vị, còn cậu bé Xem quá ít tuổi, gầy nhom được giao việc ngày làm lán trại cho bộ đội, đến khi đủ tuổi trở thành chiến sĩ cầm súng chiến đấu.
Ảnh-CCB, Chiến sỹ Điện Biên Phủ Ngô Quang Xem (trái) cùng tác giả |
Đầu năm 1950, cụ Xem được chuyển về Đại đội 16, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não quân sự. Sau đó đơn vị cụ lên Việt Bắc bảo vệ các đoàn dân công hoả tuyến rồi bảo vệ Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến, bộ đội ta thường hành quân đêm. Là đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ, yêu cầu bảo mật phải quan tâm hàng đầu, mọi hoạt động tuân theo kỉ luật chặt chẽ.
Cuộc hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ bắt đầu từ Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sang Phú Thọ, qua bến đò Âu Lâu (Yên Bái), vượt sông Hồng để ngược lên chiến trường Điện Biên Phủ. Trước khi xuất phát, chỉ huy tiểu đoàn hạ lệnh: “Tất cả hành quân chân đất, tuyệt đối không ai được đi giầy!”. Người chỉ huy ấy giải thích cụ thể là loại giầy ba ta của bạn giúp ta là giầy tốt nhưng dưới đế giầy có hình chân rết nổi, quân ta đi giầy hành quân dễ để lại dấu vết, địch phát hiện, không lợi cho công tác bảo mật.
Bám chặt phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, suốt chặng đường hành quân qua những địa hình rừng núi, sông suối, gai góc, có lúc đá sắc cạnh cứa vào chân nhưng cụ Xem cũng như đồng đội vững vàng vượt qua. Một đêm, đơn vị hành quân qua vùng quê địch vừa càn quét, cụ Xem sa chân xuống một hố chông sâu mét rưỡi, may là du kích ta vừa thu những ngọn chông nên không bị thương. Thời điểm tổng công kích chiến dịch Điện Biên Phủ đến gần, Tiểu đoàn 2 tách khỏi Trung đoàn bảo vệ 246 vận động ra tiền duyên đánh địch. Trong chiến công chung của tiểu đoàn, cụ Xem đã dùng tiểu liên quật ngã tên lính Pháp vừa trong xe tăng vọt ra.
Năm 1959, cụ Xem được chuyển ngành về Mỏ A pa tít Lào Cai rồi trở về xây dựng khu Mỏ Vàng Danh cho đến ngày nghỉ hưu. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Điện Biên Phủ, cụ Xem liên tục tham gia công tác ở khu dân cư gần 30 năm nay. Là một cựu chiến binh ý thức giữ gìn bí mật đã giúp cụ Xem làm tốt nhiệm vụ Tổ trưởng an ninh rồi Trưởng ban an ninh khu phố nơi cụ ở. Một lần, cụ đã giúp cơ quan an ninh dẹp bỏ tụ điểm hoạt động ma tuý. Nhà cụ cách bìa rừng khoảng 300 mét, cây cối ở đây rậm rạp, sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 8 giờ khi dân cư đi làm vãn, cụ lại thấy một phụ nữ đi xe máy đến nơi đó ẩn náu đợi hai thanh niên khác cũng đi xe máy đến lấm lét ngó ngang, dòm dọc rồi trao nhau thứ gì đó. Nghi ngờ những người này hoạt động phạm pháp, cụ Xem nhập vai một ông già bí mật tiếp cận, vờ hái lá xông cảm cúm để theo dõi, rồi điện tới công an kịp thời triệt phá được một tụ điểm hoạt động ma tuý.
Nơi trở thành địa bàn an ninh tiêu biểu của phường nhiều năm nay là nhờ nỗ lực thông qua ý thức bảo mật của chiến sĩ Điện Biên Phủ Ngô Quang Xem.