Hiểu thêm về người phất cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ cát
Đời sống 12/04/2024 09:18
Ông Tạ Quốc Luật là người có vinh dự mang cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta phất cao trên nóc hầm Đờ cát lúc 5 giờ chiều 7/5/1954. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông gia nhập Vệ quốc đoàn ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tiểu đoàn của ông đã liên tục chiến đấu từ những ngày đầu và đến chiều 7/5/1954, đơn vị của ông là mũi đi đầu tấn công vào Bộ Chỉ huy quân đội Pháp, bắt sống tướng Đờ cát và ông là người phất cao lá cờ chiến thắng. Ông được tặng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công và sau được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Sau nhiều năm quân ngũ, ông nghỉ hưu và mất năm 2003, vì tuổi cao, sức yếu.
Ông Tạ Quốc Luật là cháu 4 đời của Đề đốc Tạ Hiện - một thủ lĩnh tiêu biểu trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX Cụ Tạ Hiện sinh năm 1831, từ nhỏ đã nổi tiếng có sức khỏe và tài võ nghệ. Năm 1848, cụ đỗ Tú tài võ và đăng lính. Cuộc đời binh nghiệp của cụ mở đầu với chức Hành tẩu, rồi Phó quản cơ, Chưởng vệ, dần được thăng đến chức Đốc binh quân vụ Tuyên Quang năm 1868, Phó Lãnh binh An Quảng năm 1872, Đề đốc Bắc Ninh năm 1873, sau là Đề đốc Định An (Nam Định, Hưng Yên).
Khi thực dân Pháp đánh thành Nam Định và Hà Nội, cụ bất bình trước thái độ thỏa hiệp của triều đình Huế, nên đã quyết định treo ấn, từ quan, cùng các văn thân sĩ phu tập hợp lực lượng kháng chiến. Cụ đã tổ chức nhiều trận đánh Pháp ở Thái Bình, Nam Định, liên kết phong trào với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Phong trào do cụ lãnh đạo có uy tín lớn, phạm vị rộng, đứng đầu các phong trào chống Pháp ở Thái Bình lúc bấy giờ nên trong dân gian vùng Thái Bình có câu: “Thứ nhất Đề Hiện Quang Lang…”. Những năm sau cụ đầu quân dưới cờ nghĩa của cụ Hoàng Hoa Thám, hoạt động trên phạm vi rộng lớn hơn lên miền rừng núi Bắc Giang, Quảng Ninh. Từ thực tiễn hoạt động, cụ thường căn dặn nghĩa binh của mình: “Ở núi rừng lấy núi rừng làm hiểm trở, ở đồng bằng lấy Nhân dân làm hiểm trở”.
Trước những hạn chế chung của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chủ yếu là các thủ lĩnh cùng toàn dân lấy lòng yêu nước căm thù giặc mà nổi lên chống Pháp chứ chưa có đường lối cương lĩnh rõ ràng,… Mặt khác, quân Pháp còn mạnh, tổ chức khủng bố ác liệt nên cuộc kháng chiến của nghĩa binh nhiều nơi thất bại, trong đó có cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổi tiếng do cụ Đề Thám lãnh đạo. Năm 1892, cụ Tạ Hiện bị thực dân Pháp sát hại ở Đông Triều (Quảng Ninh). Thế là đã hơn 130 năm ngày mất của cụ.
TP Hà Nội có phố Tạ Hiện ở khu phố cổ gần hồ Gươm. Nơi đây có nhiều hàng ăn, quán cà phê nổi tiếng thu hút cả khách ta lẫn Tây. Từ khi Hà Nội quy hoạch khu phố đi bộ - ẩm thực quanh hồ Gươm thì phố Tạ Hiện càng nổi tiếng, càng đông khách hơn. Nhưng ít người biết về thân thế của con người mà dãy phố vinh dự được mang tên. Thậm chí nhiều người còn nhầm gọi là phố Tạ Hiền (cũng như hay nhầm nói phố Quan Thánh mà đúng phải là Quán Thánh).
Xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là xã ven biển, liền kề với thị trấn Diêm Điền, từ đây nhìn ra Đồ Sơn, Hải Phòng chỉ hơn chục cây số đường chim bay. Cũng xin nói thêm, liền kề với Thụy Hải là xã Thụy Xuân quê của ông Bùi Quang Thận, người đại đội trưởng xe tăng dũng cảm băng qua sân mang lá cờ Quân giải phóng miền Nam treo trên nóc Dinh Độc Lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử liên quan đến những người lính cụ thể trong số hàng triệu người đã xông pha chiến trận ở hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân cũng như các xã ven biển của Thái Thụy hầu hết Nhân dân có nghề đi biển, nhiều gia đình làm muối, họ thường xuyên phải chống chọi với bão tố từ biển Đông. Những năm qua, Nhà nước đầu tư hệ thống đường bộ ven biển nên từ đây qua Vĩnh Bảo, Tiên Lãng sang Hải Phòng cũng thuận tiện hơn. Trong những năm qua, trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều hộ gia đình, nhiều cựu chiến binh gương mẫu trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều người đầu tư nuôi tôm hay hải sản khác nên cuộc sống cũng khá hơn, nhiều hộ xây nhà kiên cố, khang trang hiện đại; trẻ em được học hành, có môi trường tốt để phát triển toàn diện hơn. Nhân dân hai xã tích cực trồng rừng ngập mặn để ngăn ngừa sóng biển, bão tố, góp phần lấn biển và phát triển kinh tế biển bền vững.