Làm giàu từ đồi rừng
Tuổi cao gương sáng 16/04/2024 10:49
Cả khuôn viên đồi rừng rộng lớn của gia đình ông bà Đỗ Văn Quyền và Nguyễn Thị Bích ngợp màu xanh của thanh long cùng những vạt cây ăn quả. Rồi, mênh mang nước xanh của thung lũng in bóng những hàng dừa cao vút, cảnh quan xứng nơi du lịch thiên nhiên thôn bản.
Thân tình, xởi lởi, ông bà Quyền - Bích dẫn chúng tôi thăm thú nơi chăn nuôi, vạt đồi trồng thanh long và kể về cách làm giàu mấy chục năm “gian lao mà anh dũng” từ thuở thanh xuân cho đến nay.
Ông Đỗ Văn Quyền, sinh năm 1964, bà Bích, sinh năm 1968 cùng ở thôn Thọ Linh, xã Hợp Lý. Thuở ấy, xã Hợp Lý nghèo lắm, Nhân dân xã miền núi thiếu thốn trăm bề. Sau 4 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc, CCB Đỗ Văn Quyền ra quân về cùng gia đình lao ngay vào trận tuyến “chống đói nghèo”.
Thế là từ đầu năm 1986, vợ chồng ông ra phía chân đồi của làng khai hoang, mở đất để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, vịt theo kiểu gia trại. Vừa làm, vừa tích cóp mua thêm đất đai để mở rộng diện tích cho trồng trọt, chăn nuôi. Cứ thế, vừa lao động cật lực, vừa nuôi 3 con ăn học, khôn lớn, vừa đầu tư kiến thiết nhà cửa… Nghĩ lại, ông bà thấy “công sức” tạo dựng quá lớn.
Thời gian đã khẳng định thành quả cũng như học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, ông bà đầu tư xây dựng chuồng trại, triệt để áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng quy mô nuôi lợn thịt siêu nạc thương phẩm, một năm 2 vụ, mỗi vụ nhập hàng nghìn con lợn giống về chăm nuôi cho đến kì bán, mỗi con thường đạt từ 1,2 đến 1,3 tạ. Trong 2-3 ngày là thương lái các tỉnh ào về mua hết. Sau mỗi kì bán hết lợn, ông bà lại tu sửa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rồi lại nuôi vụ kế tiếp.
Với trên 3ha sườn đồi, ông bà trồng thanh long ruột đỏ, thu hoạch trên 40 tấn/vụ, thương lái các nơi đến tận vườn mua. Trên nhiều vạt đất, lối đi, trồng hàng trăm cây ăn quả như mít, nhãn, bưởi… tạo sự đa dạng sinh thái, sản phẩm. Cùng đó, ông bà còn cho thuê 4 ha đất để nhiều người cùng trồng thanh long ruột đỏ.
Do tâm huyết gắn bó với nghề nuôi lợn siêu nạc mà ông Quyền đã hướng cho con trai Đỗ Đức Anh (sinh năm 1983) theo học Đại học Nông nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp Khoa Thú y. Vậy là, con trai trở thành “chuyên gia” chăn nuôi của gia đình. Hiện tại, cùng với trang trại nuôi lợn của bố mẹ, Đỗ Đức Anh đầu tư thêm một trang trại nuôi 2.500 lợn siêu nạc, cũng 2 vụ/ năm.
Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về hàng tỉ đồng. Nhờ nguồn tiền này, ông bà xây dựng nhà cửa khang trang, bề thế; nâng cao mức sống cho con, cháu và tái đầu tư để phát triển sản xuất.
Điều đáng nói, trong những năm qua, hưởng ứng phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, ông bà đã hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông trong thôn, ủng hộ kinh phí xây dựng công trình công cộng; giúp đỡ những gia đình khó khăn... Con trai Đỗ Đức Anh, đảng viên trẻ, vừa nối nghiệp bố mẹ sản xuất, chăn nuôi giỏi vừa nhiệt tình tham gia công tác ở thôn như Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Nông dân, lôi cuốn nhiều thanh niên, nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương…
Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu nông dân, CCB, NCT sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được Hội Nông dân, Hội CCB, Hội NCT, UBND huyện Lập Thạch và xã Hợp Lý tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…
Cùng trò chuyện, ông bày tỏ băn khoăn trăn trở về việc khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Theo ông, mấy chục năm gắn bó với khu đất này mà chưa được cấp “quyền sử dụng đất” nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Rất mong từ xã Hợp Lý đến các cơ quan có chức năng của huyện Lập Thạch quan tâm, hướng dẫn…