Nỗ lực của FOUR PAWS trong kiểm soát dịch bệnh từ động vật sang người tại Việt Nam
Tin tức 03/10/2024 13:24
Tháng 5 năm 2023, Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS trở thành thành viên của OHP. Nhóm Công tác Kỹ thuật về Động vật Đồng hành do FOUR PAWS đảm nhận vị trí đối tác quốc tế thường trực, đã tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất vào cuối tháng 1 năm 2024.
Tại Cuộc họp lần thứ nhất, Nhóm công tác đã thống nhất các nội dung cơ bản về các điều khoản tham chiếu, việc quản lý động vật đồng hành và các vấn đề trọng tâm, từ đó, có cơ sở để vận hành và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan cũng như các thiếu hụt về nguồn lực để cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Cuộc họp lần 2 nhóm Công tác Kỹ thuật về Động vật đồng hành |
Cuộc họp lần hai này, Nhóm công tác đã thảo luận một số chủ đề bao gồm phòng chống bệnh dại, đối xử nhân đạo với động vật, quản lý đàn chó nhân đạo, cứu hộ động vật trong thiên tai và các vấn đề khác có thể đem đến những nguy cơ cho việc ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, bao gồm cả bệnh dại. Tầm quan trọng của việc cứu hộ và bảo vệ động vật trong thiên tai nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho con người, vật nuôi và tránh được tổn hại về kinh tế, môi trường khi vật nuôi gặp sự cố. Theo đó, Nhóm kêu gọi các đối tác quốc tế cùng tìm kiếm nguồn lực và hỗ trợ Bộ NN&PTNT triển khai một vài mô hình thí điểm không buôn bán, tiêu thụ thịt chó và mèo tại một số tỉnh thành có thu hút cao về du lịch, và học hỏi kinh nghiệm thành công từ các quốc gia láng giềng.
Phát biểu tại Cuộc họp, TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của Nhóm công tác khi đã phản ánh vấn đề nóng mang tính thời sự. Đồng thời, Nhóm đã có sự phối hợp đa ngành từ y tế, môi trường, du lịch, nông nghiệp và văn hoá, cùng nhau thực hiện tốt các nội dung về kiểm soát an toàn thực phẩm, bệnh dại từ nạn giết mổ; cũng như quản lý được việc thực thi phúc lợi động vật trong quá trình nuôi nhốt, hay bạo hành các loại động vật đồng hành.
TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, phát biểu tại cuộc họp |
TS Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế, cho biết về tình hình quản lý bệnh dại trên người, khuyến cáo các cơ quan quản lý, đặc biệt là cấp địa phương về việc siết chặt quản lý và kiểm soát bệnh dại từ chó, mèo, và nhấn mạnh tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh dại cho vật nuôi là các giải pháp căn cơ nhẳm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người và vật nuôi. Các bên mong muốn có sự chung tay của các đối tác quốc tế và trong nước, tăng cường điều phối tốt hơn nữa giữa ngành thú y và y tế cơ sở để phối hợp xuyên suốt trong việc kiểm soát bệnh dại.
Cũng trong cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về tầm quan trọng của việc xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể và thực tế nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, bao gồm cứu hộ động vật trong thảm họa, quản lý đàn chó nhân đạo và rủi ro của việc buôn bán thịt chó, mèo. Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng cần phải thay đổi chính sách để thực hiện các chương trình hiệu quả và kịp thời.
Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm |
Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS International, cho biết: “FOUR PAWS luôn đánh giá cao những cuộc thảo luận thẳng thắn của nhóm Kỹ thuật về Động vật đồng hành. Nhằm loại trừ bệnh dại ở Việt Nam, chúng ta phải giải quyết tất cả các rào cản bao gồm cả việc giảm thiểu buôn bán thịt chó và mèo, vốn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng. Chúng tôi tin tưởng vào những hành động được thực hiện dựa trên các cuộc thảo luận hôm nay sẽ giải quyết các rủi ro, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho con người và động vật”.
Khung Đối tác Một Sức khỏe Việt Nam (One Health Partnership - OHP) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người được khởi động với giai đoạn đầu từ năm 2016-2020, và giai đoạn hai từ năm 2021-2025. Đây là minh chứng cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với phương thức tiếp cận Một sức khỏe. Khung đối tác này bao gồm một số cơ quan chính phủ Việt Nam, và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, chia thành bảy nhóm công tác kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực cụ thể.
FOUR PAWS đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019 để giải quyết các rủi ro từ hoạt động buôn bán thịt chó và mèo. Mỗi năm, ước tính có khoảng 10 triệu cá thể chó và mèo bị bắt, vận chuyển và giết thịt tại Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Phần lớn những con vật này là thú cưng bị đánh cắp hoặc động vật hoang hay động vật không có chủ bị bắt từ đường phố. Với quy mô lớn và sự tàn nhẫn, hoạt động buôn bán này đã trở thành một trong những vấn đề phúc lợi động vật đồng hành nghiêm trọng nhất ở châu Á, nếu không nói là trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc buôn bán còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe - với các mối liên kết giữa việc buôn bán thịt chó, mèo và bệnh dại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm. Một cuộc khảo sát do FOUR PAWS thực hiện vào đầu năm 2021 trên khắp Việt Nam cho thấy hầu hết người dân Việt Nam mong muốn Chính phủ hành động, với 91% cho rằng việc buôn bán này nên bị cấm hoặc không được khuyến khích; khoảng 88% người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó và mèo; và hơn 95% cho rằng việc tiêu thụ thịt chó và mèo không phải là một phần của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, FOUR PAWS còn có các hoạt động hỗ trợ các tổ chức phúc lợi động vật địa phương và cộng đồng, thông qua các chương trình chăm sóc động vật đi lạc một cách nhân đạo và bền vững. FOUR PAWS cũng là thành viên của một số liên minh phúc lợi động vật như Dog Meat Free Indonesia (DMFI), Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) và Liên minh Cats Matter Too, nhằm dần ngăn chặn việc buôn bán thịt chó và mèo ở Đông Nam Á. FOUR PAWS cũng là thành viên của Liên minh Asia for Animals, hoạt động nhằm cải thiện phúc lợi của tất cả các loài động vật trên toàn Châu Á. |