Như ngàn hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc
Phóng sự 14/03/2023 18:23
Ông Khoàng Văn Cớm tâm sự: “Khi mới nghỉ hưu, tôi rất trăn trở, không biết mình phải làm việc gì đó phù hợp sức khỏe mà lại có ích, tạo thêm thu nhập. Sau khi bàn bạc cùng vợ con, tôi quyết định thành lập HTX sản xuất rau xanh trên mảnh đất ruộng một vụ của gia đình”.
Hội NCT tỉnh Điện Biên khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc |
Được sự ủng hộ của người thân và bà con xóm giềng, ông Cớm mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào thử nghiệm. Trên diện tích khoảng nghìn mét vuông đất, ông quy hoạch, phân chia thành các khu trồng rau xanh, đậu, đỗ các loại. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chưa biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản phẩm thu hoạch chưa đủ chi phí đầu tư.
Không chịu chấp nhận thất bại, ông tiếp tục đi thăm, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công. Sau khi khảo sát kĩ lưỡng về thị trường, ông Cớm thấy rằng hằng năm nhu cầu rau xanh ở địa phương là lớn, do đó ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng và chăm bón cho cây. Cùng với đó phần đất không trồng rau ông đầu tư xây chuồng nuôi lợn thịt, đào ao thả cá và nuôi trồng thủy sản. Chất thải từ lợn dùng bón rau và nuôi cá, tạo thành quy trình vườn ao chuồng khép kín.
Ông Quàng Văn Trịnh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình trang trại |
Sau một thời gian kiên trì và nỗ lực, đến nay, thu nhập ngày càng tăng cao, đời sống gia đình ông Cớm đã cải thiện đáng kể. Mỗi năm, xuất chuồng 5-6 tấn lợn hơi, 5-7 tấn rau của quả và nhiều thủy sản, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Trang trại của ông còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7-8 lao động. Ông bảo, mặc dù quy mô trang trại chưa lớn, song đây cũng là giải pháp tạo việc làm ổn định cho người thân và hỗ trợ thu nhập cho người dân địa phương những lúc nông nhàn.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, là hội viên Hội NCT, lúc nào ông Cớm cũng tâm niệm một điều, mình phải nói tốt, làm tốt để làm gương cho con cháu. Đồng thời phải biết tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuyên truyền, động viên bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước; chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư. Đặc biệt, phải biết quan tâm đến những người xung quanh, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm giàu của những người đi trước, tích cực tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Trịnh dùng máy cắt nhỏ chuẩn bị thức ăn cho trâu |
Gia đình ông Quàng Văn Trịnh, 63 tuổi, hội viên NCT Chi hội bản Cọ, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo có 6 nhân khẩu, trong đó 2 lao động trực tiếp sản xuất. Là cán bộ hưu trí, ông Trịnh cũng rất trăn trở: “Tiền lương hưu chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày, làm sao mà có của ăn của để được”. Gia đình cũng có 2ha đất vườn, nương rẫy khai hoang, chỉ trồng cây ngắn ngày nên vẫn thu nhập thấp.
Từ năm 2007, ông Trịnh quyết định cải tạo vườn rừng, chuyển đổi sang trồng 1.5ha cà phê. 10 năm sau, ông trồng xen 400 cây bưởi và 200 cây nhãn, trồng thêm 1ha cỏ voi và đầu tư mua giống nuôi 20 con trâu bò, 140 con dê nuôi nhốt. Năm 2015, ông mạnh dạn hùng vốn cùng một số người thân, bà con đầu tư thành lập HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp mua bán giống nông - lâm nghiệp tại địa phương cho các chương trình dự án của huyện, xã và các huyện lân cận. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã thu hút trên 20 thành viên tham gia mô hình dịch vụ giống nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hình thức nuôi nhốt hữu cơ, trồng hàng chục héc ta cà phê, mắc ca. Để duy trì và phát huy hiệu quả, hằng năm, HTX đều cử các xã viên tham gia tập huấn, học nghề do huyện, xã tổ chức; định kì hằng tháng HTX tổ chức sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, phương thức sản xuất mới, hỗ trợ ứng dụng khoa học kĩ thuật, phòng trừ dịch bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm... Đến nay, trung bình mỗi xã viên thu về từ 80 - 300 triệu đồng/năm; HTX tạo việc làm cho hơn 30 lao động. Riêng gia đình ông Trịnh, mỗi năm trao đổi từ 200-300 con trâu, bò giống; nuôi 3 lứa dê 420 con; thu nhập bình quân sau trừ chi phí 350 triệu đồng.
Đàn trâu bò của gia đình ông Quàng Văn Trịnh |
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Cớm, ôngTrịnh còn sẵn sàng giúp nhiều hộ khó khăn về vốn, vật tư và hướng dẫn kĩ thuật, tạo điều kiện cho các hộ cùng cải thiện đời sống, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách hợp lòng dân. Tuy nhiên, theo ông Cớm, ông Trịnh, hiện nay có tình trạng giá cả thị trường chưa ổn định, lên xuống thất thường làm cho hộ kinh doanh bị động, gặp khó khăn về tài chính. Mặt khác do sản xuất còn thiếu kinh nghiệm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, ngoài nỗ lực chung của cá nhân, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện về kĩ thuật, giống, vốn của các cấp, các ngành.
Các ông Khoàng Văn Cớm, Quàng Văn Trịnh chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên NCT làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi ở vùng đất Điện Biên anh dũng, hào hùng. Họ như ngàn hoa ban đang rực rỡ, tỏa sáng giữa núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc thân yêu…