Nhà chung cư nên đặt bàn thờ sao cho hợp lý?
Đời sống 03/03/2020 11:14
Dù có hiện đại đến đâu thì mỗi ngôi nhà người Việt Nam đều muốn có một không gian thờ cúng. Tuy nhiên, hiện nhiều nhiều căn hộ chung cư không được nhà thiết kế và chủ đầu tư quan tâm đến điều này. Chính vì thế cách đặt bàn thờ cho phù hợp và đúng cách là điều khiến không ít gia chủ đau đầu.
Nhiều nhà cẩn thận hơn, đi lên tầng trên xem ngay chỗ nhà mình làm bàn thờ thì nhà người ta làm gì? Bàn thờ nhà mình có nằm bên dưới giường ngủ hay nơi trẻ em chạy nhảy chơi đùa không, vì sợ bị "động bàn thờ".
Những lưu ý khi lựa chọn vị trí đặt bàn thờ
- Trong phong thủy, đặt bàn thờ cần phải “tọa cát hướng cát” tức là nằm ở vị trí tốt và nhìn ra hướng tốt so với tuổi của gia chủ. Phía sau bàn thờ cần phải là tường vững chãi, không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ… Việc đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào nếu thỏa mãn về phương vị và hướng thì là một cách bố trí tốt về phong thủy.
- Góc thờ, bàn thờ nên đặt trong khoảng giữa các mặt bằng căn hộ và không thuộc vào hẳn một phòng nào. Vì căn hộ không thể nào làm phòng thờ riêng biệt như trong nhà phố hay biệt thự, căn hộ nào cũng có khoảng đi lại ở khoảng giữa nhà, nên nếu khéo tính toán thì sẽ tránh tình trạng bố trí bàn thờ tùy tiện.
Việc đặt bàn thờ ở những căn hộ chung cư không phải điều đơn giản. |
Mặt khác, khoảng giữa các căn hộ sẽ không bị bí như trong các phòng đóng kín. Hơn nữa hiện nay nhiều căn hộ đã thiết kế theo kiểu trống hoàn toàn cho gia chủ tự ngăn chia, vì thế góc thờ nên làm bằng những vật liệu có thể tháo ráp đơn giản như gỗ, kính hoặc dạng tủ đa năng.
- Đặt bàn thờ cần nên lấy một vị trí thoáng, nhưng không được nhìn thẳng bếp và giường ngủ. Xung quanh bàn thờ cần làm rèm bằng hoa văn cổ, khi đốt hương để thờ cúng bạn kéo rèm lên, sau khi hết hương thì buông rèm, để giữ cho không gian thờ cúng được thanh tịnh.
Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm.
Khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng bạn phải lưu ý tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy.
- Việc chống ám khói cho trần và tường cũng khá đơn giản, chỉ cần tủ thờ thiết kế là loại có nóc bên trên thì sẽ giảm hẳn, vì khói bàn thờ không phải như khói bếp, số lượng ngày giờ thắp nhang cũng ít hơn đun nấu trong bếp. Có thể gắn một tấm kính bên dưới của nóc tủ (tức là làm một "tấm trần" cho tủ thờ) khi cần có thể tháo kính xuống lau chùi dễ dàng.
- Tủ thờ nên kết hợp với tủ trang trí trong phòng khách để có thể bố trí gần cửa sổ, tăng cường thông thoáng. Đồng thời không gian tủ thờ sẽ được hiện đại và tăng thêm tính tiện dụng, thay vì chỉ làm có mỗi một loại tủ thờ đồ sộ bằng gỗ chạm như hiện nay, vừa chiếm nhiều không gian, vừa không tận dụng được các công năng, lại có thể khó hòa nhập với nội thất căn hộ mới.
Nguyên tắc chiếu sáng ở nơi thờ cúng
- Phòng thờ của gia đình phải tạo được không khí trang nghiêm, ấm cúng, gần gũi tránh tạo cảm giác lạnh lẽo.
- Phòng thờ thường được bố trí có diện tích nhỏ, do vậy bạn nên chọn những đèn treo nhỏ cho tương xứng với phòng, tránh treo các loại đèn chùm lớn gây mất cân đối. Cần lưu ý là bố trí ánh sáng đèn không được chiếu thẳng vào người ngồi khi hành lễ cúng bái.
- Nếu tường sơn của phòng thờ có màu sáng thì không nên lắp nhiều bóng đèn sẽ ảnh hưởng đến tính chất trang nghiêm của nơi thờ cúng. Chỉ nên bố trí khoảng 2 đến 3 loại ánh sáng.
- Tường có treo tranh nên bố trí hai đèn âm tường cân xứng hai bên bức tranh.