Người từng được gặp Bác ở Cô Tô
Đời sống 29/04/2021 08:55
Ông Thanh kể nhiều kỉ niệm của một thời gian khó mà ông và người vợ hiền đã vượt qua: “Bà ấy nhà tôi tuyệt vời lắm. Các con đã trưởng thành, đứa giáo viên, đứa là công chức nhà nước nên tôi cũng yên tâm”. Rồi lan man các chuyện khác, ông nói về sự mai một của văn hóa vùng miền Đông của Quảng Ninh giàu bản sắc, nhưng đang bị mai một vì “không ai để ý”.
Tôi chỉ biết nắm tay ông đồng cảm với người cả đời gắn bó ở vùng đất biên cương này và luôn đau đáu với các giá trị văn hóa. Trong trùng điệp câu chuyện về cuộc đời, khi được biết ông từng làm việc ở Cô Tô, tôi bèn hỏi: “Ông có được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm đảo không?”. Ông bảo: “Việc đó thật vinh dự với tôi cô ạ!”.
Ông Lương Hùng Thanh |
Rồi ông hồ hởi kể lại niềm xúc động đã 60 năm qua khi lần đầu tiên và duy nhất ông được gặp Bác Hồ: “Khi Bác Hồ gặp gỡ bà con ở mấy khu ruộng muối, ruộng rau, thì Bác về Đảo ủy (khi ấy gọi như thế, giờ gọi là Huyện ủy) để ăn trưa, chúng tôi được Đảo ủy chỉ dẫn đứng hai hàng đón Bác, chúng tôi chỉ gồm hơn 10 cán bộ tăng cường từ đất liền ra đảo làm việc nên được triệu tập về Đảo ủy đón Bác. Khi thấy Bác bước về gần tới, chúng tôi hân hoan vỗ tay chào đón, Bác ân cần hỏi các chú làm gì, ông Đảo ủy thưa, đây là các cán bộ tăng cường từ đất liền ra đảo ạ. Bác nói với chúng tôi, chúc các chú mạnh khỏe ở lại đảo công tác tốt nhé, Bác rất mong đảo sẽ ngày càng phát triển. Chúng tôi vỗ tay hân hoan. Bữa trưa đó là kỉ niệm vô giá đối với tôi, một kỉ niệm đặc biệt khi Bác Hồ về thăm đảo… Nhanh quá, thế mà đã 60 năm”.
Lan man với ông, tôi biết, câu chuyện cuộc đời ông thật đáng khâm phục và tự hào, một người chỉ học hết lớp 4 trường của người Tây ở thị trấn Hải Hà thời Pháp thuộc gọi là Hà Cối, giờ ông vẫn thuộc những bài hát thời tiểu học đó và hát bằng tiếng Pháp cho tôi nghe với một tình cảm thật náo nức của thời thơ ấu... Nhưng vì gia đình cũng chỉ có thể cho ông học hết tiểu học, lớn lên chút nữa ông xin đi làm và làm kế toán trưởng thương nghiệp cấp 2 (đơn vị thuộc cấp tỉnh khi ấy ở Hải Hà, rồi ông được điều ra Cô Tô làm kế toán trưởng Cụm Thương nghiệp của Cô Tô - khi ấy xã Cô Tô thuộc huyện Hải Ninh cũ).
Sau khi rời Cô Tô trở lại Hà Cối, ông viết đơn tình nguyện đi B - tức là vào Nam chiến đấu - rồi ông đi một mạch đến khi giải phóng miền Nam mới trở lại quê hương Hà Cối, ông là lính biên chế trong đơn vị thuộc tỉnh đội Tây Ninh. Ông rưng rưng kể và tôi thật thảng thốt khi ông bảo: “Tôi cưới vợ hôm trước thì hôm sau nhận giấy lên đường đi B”! Vô cùng ngạc nhiên, nhưng nghe kể mới thấy ông là một người thật đặc biệt, một con người bình thường mà đặc biệt lắm...
Hết chiến tranh ông bị thương nhẹ và trở về quê nhà thị trấn Hà Cối thuộc huyện Quảng Hà (đến năm 2001 tách ra mới là huyện Hải Hà). Dù biến cố gia đình có làm ông khó khăn một thời gian dài, nhưng ông vẫn vượt qua, vẫn tìm mọi cách kiếm tiền đủ nuôi vợ con và lựa khi rảnh rỗi ngồi với trang viết và dốc lòng với những gì mình ấp ủ, khi là bài thơ, khi là bài nghiên cứu văn hóa và văn hóa dân gian của vùng đất Hà Cối xưa, nay là Hải Hà tỉnh Quảng Ninh.
Chia tay ông, tôi mang theo nỗi niềm rưng rưng đầy cảm xúc từ ông, một người cựu chiến binh từng góp phần tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gần nửa thế kỉ qua, một con người luôn đau đáu với văn hóa đất và người vùng Hà Cối xưa, nay là là Hải Hà miền biên cương Đông Bắc ấy, chỉ mong ông mạnh khỏe để có thể viết được những gì ông đã ấp ủ và hi vọng về những vấn đề ông đã nghiên cứu và lưu giữ văn hóa vùng đất ấy…