Người dân kêu cứu mất nhà vì “sập bẫy tín dụng đen”, sao không truy tố?
Pháp luật - Bạn đọc 01/07/2021 17:16
Bà Phạm Thị Ngọc Lan bên bàn thờ chồng tạm bợ trong phòng trọ chật chội đang cầm tập “Đơn kêu cứu, tố cáo” |
Vay nợ bị mất nhà
Ngày 15/7/2007, bà Phạm Thị Ngọc Lan và chồng là ông Phùng Văn Bảy (nay ông Bảy đã chết) vay 300.000.000 đồng của Ngân hàng Thương mại xuất nhập khẩu - Chi nhánh Lạc Long Quân, quận 11. Do vợ chồng ông Bảy, bà Lan đến hạn chưa trả tiền vay, nên ông Vũ Trần Tam Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc China; ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức hứa giúp được đáo nợ bằng cách cho vay và thế chấp lại giấy tờ nhà ở Chi nhánh 3 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa chỉ 72/2 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh, rồi trả lại tiền vay cho ông Sơn.
Ngày 27/11/2008, ông Sơn giới thiệu ông Bảy, bà Lan vay 400.000.000 đồng ở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói trên. Theo Phụ lục hợp đồng của ngân hàng này, lập ngày 28/11/2008, bà Lan được giải chấp 400.000.000 đồng, lãi suất 16,5%/ năm. Nhưng trong thực tế bà Lan không nhận được bất kỳ số tiền nào từ ngân hàng này. Theo bà Lan do ông Sơn đang giữ Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà của họ nên Ngân hàng này không giao tiền cho bà.
Theo Đơn tố cáo của vợ chồng ông Bảy, bà Lan, thực tế số lãi họ phải trả cho bên ông Sơn là 0,5%/ngày; nhưng các giấy tờ về lãi suất này, do ông Sơn cầm, giữ.
Ngày 22/5/2009, ông Sơn gọi bà Lan tới Văn phòng Công chứng số 3 TP Hồ Chí Minh, ký hợp đồng giả cách với ông Đào Văn Thanh Long, địa chỉ khu phố 4, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, ký hợp đồng số 14014/HĐ-MBN mua bán nhà đất nói trên với giá 600 000 000 đồng, trong khi giá trị căn nhà của bà Lan cao hơn nhiều. (Theo kết quả thẩm định giá vào ngày 25/12/ 2020 thì căn nhà của bà Lan có giá trị là 6.324.000.000 đồng).
Theo bà Lan, bà không hề biết ông Long là ai, còn ông Long tự khai cũng không biết bà Lan là ai, các giao dịch với ông Long đều thông qua Công ty Cổ phần phát triển địa ốc China (Công ty China) và phải đóng phí môi giới là 13.200.000 đồng. Bà Lan cũng không nhận bất kỳ số tiền mua nhà nào từ ông Long. Trong các biên bản lấy lời khai và tại phiên Tòa sơ thẩm phiên tòa sơ thẩm ngày 24/7/2013 của TAND quận Thủ Đức, ông Long thừa nhận chưa đưa bất kỳ khoản tiền mua nhà nào cho bà Lan, chỉ gặp bà Lan một lần duy nhất tại phòng công chứng và không có bất cứ trao đổi thỏa thuận gì.
Bà Lan cho biết thêm: Việc lập hợp đồng mua bán nhà nói trên chỉ là giả tạo, nhằm đảm bảo khoản nợ giữa vợ chồng bà với ông Sơn. Khi đến Văn phòng công chứng theo lời hướng dẫn của ông Sơn là ký hợp đồng để làm tin, lúc đó bà không có đem theo giấy CMND bản chính, bà thấy có nhiều người đi theo mà như đe dọa bà, nên bà phải ký vào hợp đồng với ông Long.
Ngoài ra, ngày 22/5/2009, ông Vũ Trần Tam Sơn có lập Giấy cam kết là trong 30 ngày sẽ chuộc Sổ trên (tức là Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Lan và không lấy bất cứ thù lao nào. Và trong một Giấy cam kết khác ký cùng ngày 22/5/2009, ông Sơn cam kết là căn cứ vào hồ sơ vay cá nhân, trong 30 ngày mà vợ chồng bà Lan có nhu cầu lấy lại thì ông Sơn sẽ bảo lãnh tính theo ngày, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Giấy Cam kết do ông Vũ Trần Tam Sơn viết vào ngày 22/5/2009 thể hiện dấu hiệu lừa bà Lan ký hợp đồng giả cách với ông Đào Văn Thanh Long |
Ba ngày sau, bà Lan vội bán gấp một phần đất trống trong khuôn viên nhà đất của mình với giá rẻ cho vợ chồng ông Thái Châu Định và bà Trần Thị Kim Liên là 550.000.000 đồng, đã nhận cọc 50 triệu đồng để trả nợ cho ông Sơn, nhưng ông Sơn không trả lại Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà cho vợ chồng bà Lan để làm thủ tục. Sau đó, phía ông Sơn, ông Phong gọi điện cho bà Lan đòi nợ, dọa siết nhà.
Ngày 24/6/2009, ông Bảy gửi đơn cho UBND phường Linh Trung, trình bày sự việc mình bị rơi vào bẫy tín dụng đen của phía ông Sơn, và hiện ông Sơn có ý định đăng bộ nhà và đất của vợ chồng ông qua tên người khác, yêu cầu chính quyền các cấp ngăn chặn việc làm này ông Sơn, nhưng đơn không được giải quyết.
Trong đơn trên, ông Bảy cho biết, ngày 24/6/2009, ông Sơn đã cho người đến đổ keo dán sắt vào khóa cửa nhà, không cho người của gia đình ông Bảy vào nhà. Sau đó, ông Long, ông Phong, ông Tiến công nhiên đến dọn đồ ra khỏi nhà và dùng ổ khóa khác…
Ảnh 1 |
Căn nhà bà Lan bị dán, đổ keo dán sắt và khóa cửa vào ngày 24/6/2009. |
Tố cáo nhiều lần nhưng không được giải quyết!
Ngày 6/7/2009, vợ chồng bà Lan viết tiếp đơn kêu cứu, tố cáo ông Long, ông Sơn gửi Công an quận Thủ Đức và các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không được giải quyết theo yêu cầu. Ngày 17/8/2009, vợ chồng ông khởi kiện ông Long, ông Sơn ra Tòa án yêu cầu hủy Hợp đồng số 14014/HĐ-MBN ngày 22/5/2009.
Ngày 25/8/2009, Công an quận Thủ Đức ra Thông báo số 786, gửi cho vợ chồng ông Bảy, bà Lan cho rằng không có căn cứ để xử lý hình sự vì đây là tranh chấp dân sự.
Tuy nhiên, theo vợ chồng ông Bảy, bà Lan, vụ việc này thể hiện có dấu hiệu cấu kết để lừa đảo, chiếm đoạt nhà của họ, như đã nêu ở phần đầu bài viết này. Theo ông Bảy, bà Lan việc ông Sơn viết hai giấy cam kết vào ngày 22/5/2009 là căn cứ chứng minh việc vay nợ giữa họ với ông Sơn, việc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi phụ lục hợp đồng đã giải chấp 400.000.000 đồng cho bà Lan nhưng không đưa tiền… là thể hiện sự câu kết giữa ông Sơn và ông Hoàng và Giám đốc của ngân hàng này. Trong khi thực chất việc mua bán nhà giữa ông Bảy, bà Lan với ông Long là “chiêu” để cầm giữ, đảm bảo cho khoản nợ giữa ông Bảy, bà Lan với ông Sơn. Gia đình bà Lan còn bị phía ông Sơn liên tục gọi điện thoại và cho nhiều người vào nhà đòi họ trả tiền lãi cao, đe dọa nếu không trả thì siết nhà… Bà Lan cho biết còn giữ nhiều đoạn ghi âm có nội dung bị những người này liên tục gọi đòi nợ, đòi siết nhà của bà... Sau này, bà Lan đã cung cấp các đoạn ghi âm đó cho cơ quan chức năng, nhưng đã không được xem xét đến (?!)
Và mặc dù căn nhà đang bị tranh chấp, chờ Tòa án quận Thủ Đức xét xử, nhưng ngày 10/10/2009, ông Long đã làm hợp đồng mua bán tài sản trên cho ông Nguyễn Văn Phong, địa chỉ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, là cháu ruột của ông Sơn - Người chở bà Lan đi làm các thủ tục để vay ngân hàng. Đầu năm 2010, ông Phong bán tiếp nhà này cho ông Nguyễn Văn Tiến, bà Nguyễn Thị Thu. Ngày 17/3/2011, ông Long và ông Phong, ông Tiến công nhiên đến nhà họ bẻ khóa, lấy hết đồ đạc với giá trị các đồ đạc lúc đó là hơn 80 triệu đồng và ngang nhiên xâm chiếm nhà ở bất hợp pháp cho đến nay.
Ngày 18/3/2011 và ngày 6/7/2011, vợ chồng ông Bảy, bà Lan làm nhiều Đơn kêu cứu, tố cáo sự việc nói trên, gửi cho Công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức đề nghị xử lý hành vi có dấu hiệu hình sự đối với ông Sơn, ông Long, ông Tiến... Ngoài ra, bà Lan, ông Bảy gửi Đơn kêu cứu, tố cáo sự việc trên đến nhiều nơi, nhưng cũng không được giải quyết.
Đến ngày 15/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức ra Thông báo số 260, trả lời cho vợ chồng bà Lan, ông Bảy: “Theo Đơn tố cáo ngày 18/3/2011 tố cáo ông Vũ Trần Tam Sơn cùng một số người có hành vi thể hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thủ Đức xác định vụ việc không có dấu hiệu tội phạm hình sự, đây chỉ là quan hệ dân sự”. Cùng ngày 15/1/2013, Công an quận Thủ Đức gửi Công văn số 261/CQCSĐT-TTXH do Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thủ Đức ký gửi cho TAND quận Thủ Đức, có nội dung không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, trước đó, trong Văn bản số 781/CV/CQCSĐT-TTXH ngày 11/6/2012, của Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thủ Đức, kí gửi TAND quận Thủ Đức, cho biết: Công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức đã nhận đơn của ông Bảy, bà Lan tố cáo ông Đào Văn Thanh Long và ông Nguyễn Văn Phong lấy tài sản của họ; công an phường này “đã mời Nguyễn Văn Phong lên làm việc nhưng Phong đã bỏ trốn nên đã chuyển hồ sơ cho Công an quận Thủ Đức thụ lý. Hiện đơn vị đang tiến hành xác minh làm rõ vụ việc trên.”
Trang 1 |
Văn bản số 781-CV-CQCSĐT-TTXH ngày 11/6/2012, của Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Thủ Đức, kí gửi TAND quận Thủ Đức. |
Trao đổi về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Thịnh, hội viên Hội Luật gia quận Tân Phú, Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Rõ ràng người dân kêu cứu mất nhà vì “sập bẫy tín dụng đen” là có cơ sở! Vụ việc trên có dấu hiệu hình sự về lừa đảo, chiếm đoạt nhà của gia đình bà Lan. Hồ sơ về việc mua bán nhà giữa bà với ông Long thể hiện chỉ là giả tạo, chỉ để làm tin, không hợp pháp nên không thể công nhận. Hơn nữa, vụ việc chưa được Tòa án xét xử, chưa ra quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật, mà ông Long đã bán tài sản tranh chấp là thể hiện có vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc ông Phong, ông Tiến có hành vi công nhiên bẻ khóa chiếm nhà, hủy hoại tài sản của vợ chồng ông Bảy, bà Lan cũng là thể hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về phạm hình sự, cần được xử lý, truy tố”.