Người cao tuổi Đồng Tháp tích cực tham gia Chương trình OCOP
Đời sống 26/09/2021 08:05
Ðồng Tháp có sản lượng lúa hằng năm trên 3,37 triệu tấn, có tổng đàn vịt khoảng 5 triệu con, lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả, khoảng 30.000 tấn thủy sản, trong đó hơn 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè; diện tích nhãn khoảng 5.600ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn. Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Ðồng Tháp với sản lượng tương đối lớn, từ cây sen đã chế biến được ra hơn 20 sản phẩm. Hoa kiểng cũng là đặc sản của Ðồng Tháp với truyền thống sản xuất 300 năm, mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa. Ðây là chuỗi giá trị mang lại thu nhập cho bà con. Ðặc biệt là những sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp Tết. Toàn tỉnh đang tập trung phát triển mô hình homestay và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Làng hoa Sa Ðéc có 4 hợp tác xã (HTX), 10 hội quán, 2.500 hộ tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, 1 trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 1 Trung tâm thương mại hoa kiểng đã đưa vào hoạt động. Làng hoa Sa Ðéc hằng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế, tỉnh có 51 điểm du lịch cộng đồng và có thể mở rộng mối liên kết.
Đi tiên phong trong việc phát triển cây đặc sản xoài theo mô hình an toàn và Chương trình OCOP (Mỗi xã phường một sản phẩm) là những người cao tuổi (NCT) làm vườn, đó là ông Nguyễn Văn Mách, 62 tuổi ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.
Nhiều năm gắn kết với mô hình “Cây xoài nhà tôi”, ông Mách chia sẻ, gia đình ông bắt đầu trồng xoài từ năm 1995. Trước đây, xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên giá trị trái xoài không được phát huy. Sau khi tham gia vào hoạt động của HTX xoài Mỹ Xương, HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi” được hỗ trợ kĩ thuật canh tác, ông tham gia chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lí truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được bảo đảm. Từ khi tham gia mô hình, với giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho ông giảm gánh nặng chi phí đầu tư sản xuất ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Mách NCT đã bán được gần 30 cây xoài nhà tôi. |
Có thể thấy, mô hình “Cây xoài nhà tôi” đang là một hướng đi mới của nhà vườn NCT ở Đồng Tháp. Bởi mô hình này là hướng đi ưu việt cho nông sản tỉnh nhà, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường sinh thái. Đồng thời, đây còn là kênh quảng bá nông sản của địa phương thông qua việc áp dụng công nghệ vào việc tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao giá trị nông sản tỉnh nhà...
Hiện nay, cả nước có trên 18.000 hợp tác xã với 3,2 triệu thành viên, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt gần 37 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân là 1,6 tỉ đồng/năm đối với 1 HTX. Trên 60% HTX làm ăn hiệu quả, trong đó dịch vụ khoảng 20% trong số tổng các HTX. Tại Ðồng Tháp, HTX, Hội quán, các nông trại và nhà đầu tư tự thân trong cộng đồng đang trở thành nguồn lực hiện thực hóa các sáng kiến tích hợp. Có thể xem đây là cách phục hồi sinh hoạt địa phương một cách thực tế, sáng tạo sau thời gian dài giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19.
Ðồng Tháp có 167 sản phẩm OCOP (xếp thứ 5 cả nước), theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, dự kiến tháng 12/2021, Bộ NN&PTNT sẽ cùng tỉnh Ðồng Tháp tổ chức chương trình kết nối OCOP vùng ÐBSCL gắn với lễ hội xoài, qua đó tạo ra sức hút đối với các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ và người dân.
Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị ứng dụng hệ thống thương mại điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu cho hơn 2.700 chủ thể OCOP với 5.012 sản phẩm OCOP. Trong đó có kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP cho vùng ÐBSCL nói chung, tỉnh Ðồng Tháp nói riêng để tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ tìm, dễ mua và dễ tiếp cận sản phẩm OCOP.
Ở tỉnh Đồng Tháp, Chương trình OCOP được NCT tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả tốt, mô hình trồng xoài của ông Nguyễn Văn Mách là một minh chứng. Các cấp Hội NCT, Hội Nông dân, Hội Người làm vườn… cũng đang tich cực tìm tòi, xây dựng và nhân rộng Chương trình để có thêm nhiều sản phẩm OCOP đặc thù.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có sản phẩm của NCT sẽ được người tiêu dùng cả nước biết đến và ưa chuộng. Điều này sẽ đem đến cuộc sống khá giả hơn cho người dân và NCT vùng đất “Sen hồng” sau thời kì đại dịch.