Mong một bản án phúc thẩm khách quan, công bằng!
Pháp luật - Bạn đọc 10/11/2023 09:28
Nội dung vụ việc
Cụ Đoàn Thị Tách, sinh năm 1930 có mảnh đất thổ, vườn 747m2 và hơn 600m2 đất lúa tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Sau khi cụ Tách mất (năm 2011), những người con của cụ, do không thống nhất trong việc chia di sản thừa kế nên đã xảy ra mâu thuẫn. Ông M (55 tuổi, cán bộ một trường đại học tại Hà Nội) là người con áp út quả quyết, toàn bộ mảnh đất thổ vườn là của vợ chồng mình, vì đã được mẹ tặng cho. Ngược lại, người con trai cả (68 tuổi, cựu sĩ quan quân đội nghỉ hưu) đưa ra bản di chúc, lập vào tháng 11/2010, có người kí làm chứng, là tờ viết tay với những dòng chữ “vỡ lòng” của người cao tuổi mới chỉ qua lớp “bình dân học vụ”. Nội dung: Không nhận ông M là con, do vợ chồng người này bạo hành, đối xử thậm tệ với mẹ, vì thế mảnh đất được “dao lại” (viết sai chính tả - PV) cho 2 người con trai khác.
Một phần ao trong di sản tranh chấp. |
“Mặc dù mẹ chỉ cho tôi và cậu em út, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý chia đều cho 6 anh em, coi như không có bản di chúc này. Phần di sản của cậu M sẽ tách riêng, do cậu ấy muốn thế, còn lại anh em chúng tôi sẽ xây nhà từ đường, sử dụng chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cậu M vẫn không chịu, buộc tôi, đại diện cho các đồng thừa kế khác phải nhờ tòa phân xử” - ông N, con trai cả cụ Tách cho hay.
Bản di chúc với nhiều dấu hiệu bất thường(!?)
Cung cấp cho Tòa, ông M đưa ra chúc thư khác, lập ngày 18/4/2002. Bản này trái ngược hoàn toàn với bản di chúc viết tay do ông N đề cập cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là văn bản đánh máy: “Tôi để lại cho vợ chồng anh M được thừa kế đất đai của gia đình”... Bên dưới, ngoài chữ kí “Tách”, còn có 2 dấu tay điểm chỉ và chữ kí của người nhận di sản. Tiếp đó là hàng chữ đánh máy: “Tôi là Phạm Đức Can, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình xác nhận: Cụ Đoàn Thị Tách đã kí và điểm chỉ; Ông M và bà M đã kí trong tình trạng hoàn toàn minh mẫn và tự nguyện”!
Tuy nhiên, theo ông Can, ông chỉ chứng thực các loại văn bản bằng viết tay, chưa bao giờ đánh máy. Hơn nữa, thời điểm tháng 4/2002, ông đã chuyển công tác, không còn làm Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh.
Sổ đỏ cấp cho cụ Tách chỉ có 200m2 đất ở. |
Theo ông N, so sánh con dấu của UBND xã tại bản di chúc với con dấu tại 1 công văn của chính quyền địa phương này thấy sự khác biệt rất rõ. Tương tự, chữ kí “Tách” trên bản di chúc to lớn khác thường, cũng như dấu “sắc” và các đường nét đều bị nghi ngờ là của 1 người thạo chữ, song cố tình đi bút nguệch ngoạc (khác hẳn với chữ Tách “ngô nghê” trên bản viết tay, do ông N cung cấp). Chưa hết, nếu đã kí rồi thì việc cụ Tách điểm chỉ cả 2 ngón tay sẽ là thừa và 2 dấu vân tay cũng to bất thường.
Mặt khác, ngày 1/4/2022, TAND huyện Vĩnh Bảo đã ra Quyết định số: 01/2022/QĐ-TA yêu cầu ông M cung cấp bản chính di chúc. Song, ông M không đáp ứng mà vẫn chỉ cung cấp bản photo, có dòng chữ “bản sao đúng với bản chính”, do ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội kí tên, đóng dấu. Đối chiếu chữ kí trên bản sao, vào tháng 11/2019 này với chữ kí của ông Hùng tại 3 văn bản “chính thống” cũng thấy nhiều dị biệt...
“Về chúc thư “bất thường” trên, bản án sơ thẩm mới đây của TAND huyện Vĩnh Bảo, ngày 25/9/2023 đã nêu: Tại phiên xử, chính ông M phải thừa nhận bản di chúc là “không hợp pháp”.
Di chúc có chữ kí “bất thường” của Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh do ông M cung cấp. |
Ngoài chúc thư trên, cậu M còn cung cấp cho Tòa 1 bản di chúc đánh máy khác, đề ngày 25/8/2000, in hàng chữ sao y bản chính của 1 văn phòng công chứng tại Hà Nội cũng có những dấu hiệu rất đáng ngờ. Và đương nhiên, tài liệu này cũng bị TAND huyện Vĩnh Bảo bác bỏ”, vị cựu sĩ quan cao cấp đặt vấn đề.
Mong một bản án phúc thẩm khách quan
Như đã thông tin, 2 bản di chúc ông M đưa ra đều bị Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm bác bỏ, và do đó, di sản của cụ Tách được chia theo pháp luật thừa kế. Tuy nhiên, theo bà Y (66 tuổi, con gái thứ 3 của cụ Tách, nguyên cán bộ 1 cơ quan Nhà nước) chia sẻ: “Đúng ra phải chia đều cho 6 anh em, tức 6 suất. Song, Tòa lại phân làm 7 để “ưu ái” cho ông M 2 suất, với lí do có công trông nom, tôn tạo di sản. Theo tôi, chia như vậy là không đúng! Bởi, từ năm 2007, vợ chồng cậu M đã dời quê vào nội thành Hải Phòng rồi chuyển lên Hà Nội sinh sống đến nay. Sau khi mẹ tôi mất, cậu ấy khoá cổng, thỉnh thoảng mới về vào dịp lễ, tết và không cho anh em ruột, các cháu vào thắp hương và tuyên bố toàn bộ nhà cửa là của mình. Điều nữa, sổ đỏ cấp cho cụ Tách 753m2 gồm 2 loại đất (đất thổ 200m2, đất cây lâu năm 553m2) và trong đất cây lâu năm có tới 247m2 ao. Thế nhưng, “Tòa chia cho cậu M 159m2 đất ở, dẫn đến diện tích anh em chúng tôi làm nhà từ đường phần lớn là ao. Đã thế, Tòa còn tính giá đổ đồng tất cả 2 triệu/m2, bằng giá đất ở, nên rất không công bằng”.
Ngoài thổ vườn, cụ Tách còn 605m2 đất lúa (đang cho anh em họ hàng trồng cấy) Tòa giao hết cho ông N. Ngược lại, ông N phải trả cho các đồng thừa kế khác, tổng cộng hơn 36 triệu đồng (gần 7,3 triệu đồng/người). Trong khi căn cứ Biên bản họp gia đình, ngày 1/4/2011, thì đất lúa hoàn toàn do vị cựu sĩ quan cao cấp “quyết định sử dụng và công quỹ chung”. Theo ông N, việc buộc ông phải nhận đất và trả tiền cho các đồng thừa kế khác là khiên cưỡng. Hơn nữa, ông N cư trú ở xa và hoàn toàn không có nhu cầu canh tác(!?).
“Chúng tôi đã kháng cáo bản án sơ thẩm và rất mong tới đây TAND TP Hải Phòng sẽ xem xét thấu đáo, đúng luật để đưa ra bản án phúc thẩm khách quan, công bằng” - người con gái thứ, tuổi U70 của cụ Tách tỏ bày!