Mong không “đánh trống bỏ dùi”
Trong mắt người già 01/02/2023 09:50
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về tình hình, thực trạng và đề xuất một số nội dung giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong tình hình hiện nay. Trong đó, có nêu một số hạn chế: Công tác truyền thông chính sách vẫn coi là “việc của báo chí". Cán bộ ở nhiều Bộ, ngành, địa phương có tâm lí ngại tiếp xúc với báo chí, chưa chủ động cung cấp thông tin, dẫn đến báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách. Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức, để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm bảo đảm đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan Nhà nước…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, vừa qua, nhận thức về công tác truyền thông ở các cấp, các ngành chưa thật tốt, chưa chủ động cung cấp thông tin, chất liệu thông tin chưa đầy đủ, kịp thời nên hiệu quả truyền thông thấp. Tính tương tác hai chiều truyền thông chính sách còn hạn chế. Việc lắng nghe ý kiến phản biện, trái chiều cần nhiều hơn, tôn trọng sự khác biệt. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng truyền thông chưa tốt, người dân chưa hiểu hết, khi thực hiện thì “chập chờn”. Nguyên nhân là do lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, đúng tầm. Việc đầu tư cơ sở vật chất, con người, tài chính chưa tương xứng.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; phối hợp cung cấp chất liệu truyền thông. Muốn làm tốt việc này, cấp uỷ, chính quyền phải đầu tư về con người, phương tiện, trang thiết bị, đổi mới cách tuyên truyền từng nội dung. Bộ Nội vụ cần nghiên cứu các văn bản pháp luật về tăng cường đội ngũ truyền thông ở các Bộ, ngành. Các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, cơ cấu lại vị trí việc làm, nâng cao năng lực cán bộ; căn cứ vào ngân sách chi thường xuyên phải bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách và tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí; phải truyền thông chính sách bằng các biện pháp, số liệu cụ thể, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông…
Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị sẽ ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp để thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, trúng, hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Các chỉ đạo này cũng được ban hành tại Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trên.
Thật mừng khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm đến công tác truyền thông và báo chí, nhưng cũng mong sớm có hồi âm của các Bộ, ngành, địa phương, để trách nhiệm với truyền thông chính sách không sa vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”