Mong chờ bản án phúc thẩm khách quan toàn diện
Pháp luật - Bạn đọc 02/08/2023 16:05
Nội dung vụ án
Ngày 31/3/2023, TAND huyện Xuân Lộc đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” 1.223,3m2 một phần thửa số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ông Lê Trọng Đại; Bị đơn: Ông Lê Đình Đức, cùng ngụ ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ra xét xử sơ thẩm.
Tại Tòa, nguyên đơn, ông Lê Trong Đại trình bày: Thửa đất số 23 tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường có nguồn gốc do vợ chồng ông Đại nhận chuyển nhượng của ông Lê Minh Chính và bà Võ Thị Hải từ năm 1995, khoảng 1.000m2, thuộc một phần thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (Trước đây là thửa đất 376, tờ bản đồ 02 xã Xuân Trường). Giá chuyển nhượng là 300.000 đồng. Thời điểm nhận sang nhượng hai bên không làm giấy sang nhượng đất. Sau này các bên mới lập giấy sang nhượng quyền sử dụng đất, có nộp cho Tòa án bản Photocopy không có công chứng, chứng thực (Bút lục 145).
Giấy sang nhượng QSDĐ (bản Photocopy, vẫn được Tòa án nhận (Bút lục 145). |
Ông Đại biết nguồn gốc đất trên là do ông Lê Minh Chính nhận sang nhượng của ông Lê Doãn Khoan. Ông Khoan nhận sang nhượng từ cụ Lê Đình Huấn.
Từ năm 1995, thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường giáp với thửa đất 252, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường của vợ chồng ông trên đất đã có căn nhà gỗ. Năm 2010, vợ chồng ông xây dựng lại căn nhà mới nằm trên thửa đất 252, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường và xây dựng thêm nhà và sân bê tông trên phần diện tích đất thuộc một phần thửa 23, tờ bản đồ 06 xã XuânTrường như hiện trạng hiện nay. Phần diện tích đất phía trước nhà ông sử dụng làm đất vườn, trồng cây.
Giữa phần đất vợ chồng ông nhận sang nhượng và phần đất còn lại của gia đình cụ Huấn (nay là của ông Lê Đình Đức) có hàng ranh là bờ đá và hàng cây dâm bụt. Hai bên sử dụng đất ổn định từ đó đến nay.
Quá trình sử dụng đất, vợ chồng ông chưa làm thủ tục sang tên tách thửa đối với phần diện tích đã nhận sang nhượng trên. Do đó, tháng 6/2020, ông Lê Đình Đức làm thủ tục nhận di sản thừa kế từ cụ Huấn và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường (Trước đây là thửa đất 376, tờ bản đồ 02 xã Xuân Trường). Trong đó có cả phần diện tích mà vợ chồng ông nhận chuyển nhượng từ năm 1995.
Đơn xin cấp giấy CN QSDĐ” ngày 14/5/1994 và giấy CN QSDĐ” ngày 22/10/1997 của hộ gia đình cụ Lê Đình Huấn |
Nay ông Lê Trọng Đại yêu cầu Toà án công nhận quyền sử dụng khoảng 1.000m2 đất thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho vợ chồng ông.
Tại Tòa, bị đơn, ông Lê Đình Đức trình bày: Thửa đất số 23 (thửa cũ là 376 tờ 02 xã Xuân Trường) có nguồn gốc năm 1985 củaTập đoàn 1 cấp cho hộ cụ Huấn, sinh năm 1930, là cha của ông. Năm 1997, UBND huyện Xuân Lộc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cụ Huấn diện tích 2.027m2, sử dụng canh tác trồng lúa trên đất cho đến năm 1999 cụ Huấn chết. Đến năm 2000, ông Đại mua thửa đất liền kề thửa 23, sinh sống trên đó. Do đất nhà ông không có người canh tác, ông Đại đã trồng các cây hoa màu trên đất, gia đình ông nghĩ là ông Đại trồng nhờ trên đất nên không có ý kiến gì. Đến năm 2020, ông Đại mang dừa về trồng trên thửa đất 23, ông không cho trồng. Lúc này ông Đại nói thửa đất này ông nhận sang nhượng từ người khác bằng giấy viết tay, ông mới biết đất của gia đình ông bị ông Đại sử dụng trái phép.
Năm 2018, phân chia di sản thừa kế, ông được chia di sản là thửa 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ. Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Đại, đề nghị ông Đại trả lại đất đã có giấy chủ quyền của ông.
Các văn bản về thẩm định hồ sơ thừa kế của cụ Huấn, để cấp giấy CN QSDĐ cho ông Lê Đình Đức |
Các văn bản về thẩm định hồ sơ thừa kế của cụ Huấn, để cấp giấy CN QSDĐ cho ông Lê Đình Đức |
Bản án số: 04/2023/DS-ST ngày 31/3/2023 về việc: “Tranh chấp quyền sử dụng đất” của TAND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi là: Bản án sơ thẩm), xử: Công nhận cho ông Lê Trọng Đại và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyến được quyền sử dụng 1.223,3m2 đất tranh chấp.
Bị đơn ông Lê Đình Đức kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm, vì có nhiều dấu hiệu thể hiện việc xét xử không khách quan.
Dấu hiệu áp dụng sai pháp luật?
Tại trang 8 Bản án sơ thẩm, có nội dung nhận định: “Về quan hệ pháp luật: Ông Đại khởi kiện ông Đức yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng một phần thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc cho vợ chồng ông. Nên quan hệ pháp luật được xác định là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quy định tại Khoản 9, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong khi đó, Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định giải quyết: “Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”. Liệu đây có phải dấu hiệu áp dụng sai pháp luật trong giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm?
Sử dụng chứng cứ có dấu hiệu chưa đúng luật
Theo nguyên đơn trình bày trên đây: Đất tranh chấp do vợ chồng ông nhận chuyển nhượng của ông Lê Minh Chính và bà Võ Thị Hải từ năm 1995. Sau này, các bên mới lập giấy sang nhượng quyền sử dụng dất.
Điều đáng nói là giấy sang nhượng mà ông Đại sử dụng làm chứng cứ giao nộp cho Tòa án chỉ là bản photocopy nhưng lại được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm kí nhận, ghi “đã đối chiếu bản chính” và kí tên, đóng dấu của TAND huyện Xuân Lộc (!?).
Khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về xác định chứng cứ quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Căn cứ quy định trên thì tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án có thể bằng bản sao, nhưng phải được công chứng, chứng thực theo quy định.
Bị đơn ông Lê Đình Đức trước phần đất tranh chấp |
Nguyên đơn ông Đại đã cung cấp chứng cứ là bản photocopy giấy sang nhượng quyền sử dụng đất, mà không có công chứng, chứng thực theo quy định nhưng lại được tòa án cấp sơ thẩm nhận và lấy làm căn cứ để giải quyết vụ án, là có dấu hiệu sử dụng chứng cứ chưa đúng luật.
Bỏ sót nhiều nội dung vụ án?
Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm nêu ra các chứng cứ về nguồn gốc đất tranh chấp, để giải quyết vụ án, gồm có: Giấy sang nhượng đất đề ngày 5/5/1995 giữa ông Lê Minh Chính và bà Võ Thị Hải với ông Lê Trọng Đại và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyến; Biên bản xác minh nơi cư trú của ông Lê Doãn Khoan, sinh năm 1930, tại Công an xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; Chứng thư thẩm định giá số: 70/2022/TĐG-CT ngày 20/7/2022 và Bản đồ hiện trạng thửa đất của Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Xuân Lộc. Ngoài ra, Tòa án tiến hành trích lục toàn bộ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, và tiến hành lấy lời khai của những người làm chứng nên đây được xem là chứng cứ của vụ án.
Công văn số 8611/UBND-NL ngày 20/9/2022 của UBND huyện Xuân Lộc |
Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện còn nhiều văn bản (chứng cứ) khác có lợi cho phía bị đơn, chưa được HĐXX phiên tòa sơ thẩm đưa ra xem xét, giải quyết.
Một: Đơn xin cấp GCNQSDĐ ngày 14/5/1994 của cụ Huấn (kèm theo bảng kê khai đất), gửi UBND huyện Xuân Lộc. Đơn này có nội dung ý kiến của Hội đồng xét duyện cấp GCNQSDĐ xã Xuân Trường, với nội dung: “Thuận cấp GCNQSDĐ cho hộ: Lê Đình Huấn, số thửa 05, diện tích 12336m2”; và ý kiến của UBND huyện: “Thuận cấp 5 thửa: 181, 376, 236, 237, 271l, tờ: 01,02,03,03,02; Tổng diện tích: 1.223,3m2”.
Hai: Tờ trình số: 122/TT.DC ngày 11/10/1997 của Phòng Địa chính huyện Xuân Lộc gửi UBND huyện Xuân Lộc khẳng định: 118 hộ gia đình hội đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ; đề nghị UBND huyện Xuân Lộc phê duyệt và ban hành quyết định cấp GCNQSDĐ cho 118 hộ gia đình và cá nhân hiện đang sử dụng đất tại xã Xuân Trường.
Ba: Quyết định số: 605/QĐUBH ngày 27/10/1997 của UBND huyện Xuân Lộc đề nghị của Hội đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho 118 hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất thuộc xã Xuân Trường (Danh sách cụ thể kèm theo quyết định này, có hộ gia đình ông Lê Đình Huấn).
Bốn: Danh sách kèm theo Quyết định số: 605/QĐUBH ngày 27/10/1997, thể hiện: Ngày 27/10/2017, UBND huyện Xuân Lộc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cụ Huấn được quyền sử dụng 1.223,3 m² đất tại ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Giấy này ghi rõ thời hạn sử dụng đất: 2 thửa: lâu dài và 4 thửa đến tháng 10/2017.
Năm: Văn bản về việc phân chia di sản thừa kế (năm 2018), ông Đức được chia di sản là thửa 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp GCNQSDĐ.
Biên nhận đơn kháng cáo Bản án số 04/2023/DS-ST ngày 31/3/2023 của TAND huyện Xuân Lộc |
Dấu hiệu bất hợp lí trong nhận định của Tòa án
Bản án sơ thẩm viện dẫn Công văn số: 8611/UBND-NL của UBND huyện Xuân Lộc ngày 20/9/2022, xác nhận việc cấp GCNQSDĐ cho hộ cụ Huấn là cấp đồng loạt. Năm 1997, UBND huyện Xuân Lộc cấp GCNQSDĐ cho hộ cụ Huấn không đối soát ngoài thực địa nên không biết thực tế diện tích đất 1.223,3m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là do ông Đại đang sử dụng ổn định từ năm 1995, nên đã cấp GCNQSDĐ không đúng đối tượng sử dụng thực tế.
Tuy nhiên, xác nhận trên mâu thuẫn với thực tế có trong hồ sơ vụ án, được Tòa án đánh dấu ở các bút lục: 61, 62, 63, như sau:
Thứ nhất: UBND huyện Xuân Lộc biết năm 1994, về 1.223,3m2 đất tranh chấp, có Đơn xin cấp GCNQSDĐ ngày 14/5/1994 của cụ Huấn (kèm theo bảng kê khai đất), gửi UBND huyện Xuân Lộc. Biết trong đơn này có Hội đồng xét duyện cấp GCNQSDĐ xã Xuân Trường: “Thuận cấp GCNQSDĐ cho hộ cụ Huấn”; Có Phòng Địa chính huyện Xuân Lộc, khẳng định 118 hộ gia đình và cá nhân (có hộ cụ Huấn) hội đủ điều kiện; Và biết ngày 27/10/1997, UBND huyện Xuân Lộc ra Quyết định số: 605/QĐUBH đề nghị của Hội Đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho 118 hộ gia đình và cá nhân (có hộ gia đình cụ Huấn).
Tuy nhiên, UBND huyện Xuân Lộc lại cho rằng: “Diện tích đất 1.223,3m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ 06 xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là do ông Đại đang sử dụng ổn định từ năm 1995”. Năm 1994, đã thuận cấp GCNQSDĐ của 1.223,3m2 cho hộ gia đình cụ Huấn, thì năm 1995, ông Đại lấy đất nào mà sử dụng ổn định?
Thứ hai: Theo Bút lục 61, UBND huyện Xuân Lộc biết: Ngày 12/8/2019, UBND xã Xuân Trường có Tờ trình số: 307/TTr-UBND, khẳng định: Diện tích tăng 111,5m2 do đo đạc thành lập lại bản đồ địa chính, không nhận chuyển nhượng, không nhận tặng cho, không hoán đổi, không khai phá thêm, đất sử dụng ổn định. Hình dạng, ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thứa dất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề. Và UBND huyện Xuân Lộc cũng biết: Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Xuân Lộc khẳng định: Hồ sơ đủ điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất cho ông Lê Đình Đức; Kính trình Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Đồng Nai xem xét kí cấp giấy chứng nhận mới cho ông Lê Đình Đức.
HĐXX phiên tòa sơ thẩm giải thích như thế nào về điều mâu thuẫn: Hồ sơ về quyền sử dụng đất 1.223,3m2 tranh chấp, thể hiện rõ ràng từ năm 1994 đến năm 2019 đều do hộ gia đình cụ Huấn (nay là ông Đức) quản lí, sử dụng hợp pháp. Sao UBND huyện Xuân Lộc lại cho rằng năm 1997 cấp GCNQSDĐ cho hộ cụ Huấn không đối soát ngoài thực địa và không biết thực tế diện tích đất 1.223,3m2 tranh chấp là do ông Đại đang sử dụng ổn định từ năm 1995?
Chưa hết, theo hồ sơ vụ án còn thể hiện: UBND huyện Xuân Lộc và HĐXX phiên tòa sơ thẩm còn biết: Từ năm 1994, đến năm 2019, diện tích đất 1.223,3m2 tranh chấp đã do hộ gia đình cụ Huấn đăng kí, quản lí sử dụng hợp pháp và cụ Huấn (đại diện hộ gia đình) được cấp GCNQSDĐ theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật về đất đai; và thực tế đến nay cũng không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thu hồi, hủy bỏ việc đăng kí, sử dụng và thu hồi, hủy bỏ việc cấp CNQSDĐ của hộ gia đình cụ Huấn. Sao lại thừa nhận nội dung: “diện tích đất 1.223,3m2 tranh chấp là do ông Đại đang sử dụng ổn định từ năm 1995”? Điều mâu thuẫn này, trông chờ HĐXX Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết tới đây.
Được biết, bị đơn (đại diện hộ gia đình người cao tuổi là cụ Lê Đình Huấn) đã có đơn kháng cáo đối với Bản án số: 04/2023/DS-ST ngày 31/3/2023 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất của TAND huyện Xuân Lộc, theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định.