Liệu có phải thiếu trách nhiệm?
Trong mắt người già 09/11/2021 12:17
Không phải những cán bộ vi phạm do trình độ năng lực yếu kém nên bị đối tác lừa mà sự thật phát lộ nhiều bác sĩ các bệnh viện đã được hưởng “hoa hồng” với số tiền lên tới 7,5 tỉ đồng từ thuốc ung thư giả! Khi đó đã có ý kiến của một vài cán bộ quản lí tranh luận biện minh rằng đây không phải thuốc giả, chỉ là thành phần hóa dược chưa đạt tiêu chuẩn, hồ sơ đăng kí hợp pháp... Song với những chứng cứ xác đáng, lô thuốc giả đã được khẳng định.
Với đa số bệnh nhân ung thư, bản thân và người nhà đều rơi vào trạng thái tuyệt vọng về tinh thần, tiêu tán tiền của chỉ với hi vọng “còn nước còn tát”.
Những viên thuốc giả vừa chiếm đoạt đồng tiền ít ỏi, khốn khó của bệnh nhân, vừa nhẫn tâm tước đi cơ hội kéo dài sự sống của họ.
Ảnh minh họa |
Liên quan tới vụ thuốc ung thư giả, vừa qua Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, Bộ luật Hình sự. Tội này cũng được coi “nhẹ nhàng” hơn tội tham ô, tham nhũng. Không biết liệu vị cựu Thứ trưởng trên có dính dáng gì với khoản hoa hồng hàng tỉ đồng? Rồi chuyện sân sau, cổ phần, lợi ích nhóm?...
Cụm từ “thiếu trách nhiệm” trong điều luật đôi khi bó hẹp và đơn giản hơn nhiều so với mối quan hệ nhằng nhịt giữa cán bộ và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lí. Nếu cán bộ có trách nhiệm “gác cửa” nhưng “mắt kém”, không nhận ra gian lận để doanh nghiệp làm sai thì cụm từ “thiếu trách nhiệm” có thể chấp nhận. Song nếu doanh nghiệp có mối quan hệ “thân tình”, thường tặng những món quà, hay khoản “hoa hồng” giá trị lớn cho người “gác cửa” rồi họ làm ngơ cho doanh nghiệp tự tung tự tác thì khi đó cụm từ “thiếu trách nhiệm” không phản ánh đúng bản chất vấn đề, đó phải là vô trách nhiệm hoặc lạm dụng trách nhiệm.
Trong những năm qua, rất nhiều vụ án lớn với một số cán bộ chức quyền gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng nhưng cũng chỉ bởi lí do “thiếu trách nhiệm” - một lỗi rất hiếm khi chưa phát lộ sai phạm. Mỗi cán bộ cùng với năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm nhiều năm công tác mới được cất nhắc lên vị trí quyền lực cao. Ở những vị trí đó rất khó xảy ra tình trạng “thiếu trách nhiệm”, thậm chí họ luôn là tấm gương, là người đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Đã đến lúc cần sửa đổi khái niệm “thiếu trách nhiệm” trong luật với hành vi của cán bộ quản lí giúp kẻ sai phạm có cơ hội chiếm đoạt tài sản công hoặc trợ giúp sai phạm thu lợi bất chính.
Nếu cứ “thiếu trách nhiệm” để rồi cán bộ nắm quyền có “thừa nhiều thứ khác” thì căn bệnh “thiếu trách nhiệm” sẽ tiếp tục “di căn”, rất khó có phương thuốc đặc trị.