Liên minh AUKUS: Sự xuất hiện của một cấu trúc an ninh mới
Quốc tế 21/09/2021 09:10
Tuyên bố về thiết lập AUKUS gây bất ngờ cho cộng đồng thế giới và giới quan sát quốc tế. Gần như không có bất kì thông tin rò rỉ nào trước đó về sự ra đời cũng như thông tin chi tiết về AUKUS, nhưng bước đầu có thể khẳng định đây là một cấu trúc mới, thiên về an ninh tay ba tại không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát biểu của lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia đưa ra đều nhấn mạnh luận điểm AUKUS hướng đến mục tiêu bảo vệ và giữ vững lợi ích chia sẻ của các bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định quan hệ đối tác AUKUS “dẫn dắt bởi những ý tưởng bền vững, cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp”.
AUKUS sẽ có gì, cấu trúc vận hành ra sao, gồm thiết chế đi kèm nào - tất cả đều còn là câu hỏi để ngỏ. Điểm nhấn nổi bật nhất cho đến lúc này chính là việc Australia sẽ được tiếp cận, sở hữu các tàu ngầm hạt nhân và công nghệ tàu ngầm. Đây mới là lần thứ hai Mỹ chia sẻ công nghệ thiết yếu này với một đồng minh, trước đó là với Anh theo một thỏa thuận kí kết năm 1958.
Theo kế hoạch, Mỹ và Anh trong vòng 18 tháng tới sẽ đáp ứng mong đợi của Canberra về làm chủ tàu ngầm hạt nhân. Các nhóm chuyên gia kĩ thuật, chiến lược của 3 nước sẽ làm việc, hợp tác tại một cơ sở ở Adelaide. Australia kì vọng sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân được đóng ở Adelaide.
Australia sẽ được Mỹ, Anh trợ giúp, chuyển giao công nghệ phát triển tàu ngầm trong khuôn khổ hợp tác AUKUS |
Thỏa thuận AUKUS cũng đề cập đến việc nâng cao tiềm lực, sức mạnh hỗn hợp, làm sâu sắc khả năng tương tác quân sự. AUKUS cũng bao gồm những “cấu trúc mới” về đối thoại, gặp gỡ, can dự giữa giới hoạch định chính sách quốc phòng và đối ngoại của Mỹ, Australia và Anh. Cùng lúc, 3 bên sẽ đẩy mạnh hợp tác ở nhiều lĩnh vực đang nổi và mới như an ninh mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, một số công nghệ ngầm dưới biển.
Về tác động, ảnh hưởng từ sự ra đời của AUKUS, nổi rõ trên bề mặt là những dấu hiệu về rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Được gây dựng, ráp nối trong bức màn kín bó hẹp trong phạm vi 3 nước, sự ra đời của AUKUS khiến Liên minh châu Âu bị bất ngờ. Ông Peter Stano, người phát ngôn cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cho biết EU không được thông báo trước về quan hệ đối tác 3 bên này. EU sẽ phải thảo luận với Mỹ, Anh, Australia cũng như đẩy mạnh tham vấn nội khối giữa 27 quốc gia thành viên để lượng định, đánh giá về tác động của thỏa thuận AUKUS.
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ, Anh, Australia thông báo thành lập AUKUS, EU đã công bố bản chiến lược đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu của chiến lược đề ra là tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng lúc, EU muốn củng cố các quy tắc thương mại quốc tế, trợ giúp các đối tác chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác y tế với các nước kém phát triển.
Một mục tiêu khác mà EU hướng đến là tăng cường an ninh hàng hải và bảo đảm giao thương an toàn, không đứt quãng trên các tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên hướng này, EU và các nước thành viên sẽ từng bước tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực. EU cũng dành ưu tiên cho phát triển hợp tác vận tải, năng lượng với các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giống nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, thỏa thuận AUKUS và Chiến lược của EU với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, không có ý công khai gây hấn với Bắc Kinh. Nhưng dường như “yếu tố Trung Quốc” luôn xuất hiện đằng sau những cấu trúc và hình thức can dự kiểu như vậy. Đây là lí do giải thích tại sao Bắc Kinh luôn phản đối nhóm Bộ tứ và mới nhất là AUKUS…