Bước nhảy vọt trong lịch sử năng lực phòng về của Astralia
Quốc tế 17/03/2023 10:44
Mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California (Mỹ), để chính thức ra mắt thỏa thuận có tên gọi là dự án AUKUS.
Theo thỏa thuận, Australia sẽ mua 3 hoặc thậm chí là 5 tàu ngầm lớp Virginia nếu cần thiết, bắt đầu từ đầu những năm 2030. Theo kế hoạch, Anh và Australia sẽ hợp tác sản xuất và vận hành lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân mới SSN AUKUS, trong đó có áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình thẳng đứng và dự kiến đưa vào biên chế đầu những năm 2040. Ước tính, chi phí chế tạo và vận hành các tàu này đến giữa những năm 2050 có thể tiêu tốn của Australia từ 268 tỉ USD đến 368 tỉ USD.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại San Diego (Mỹ). |
Australia nhấn mạnh rằng mặc dù tàu ngầm mới sử dụng năng lượng hạt nhân nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng sẽ mang theo đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/3 khi công bố thỏa thuận đã nhấn mạnh rằng các tàu ngầm Australia sẽ không mang vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đã phản đối AUKUS và cáo buộc Mỹ, Anh cùng Australia mang “tâm lí Chiến tranh Lạnh” với rủi ro leo thang căng thẳng trong khu vực.
Vậy lí do nào khiến Australia muốn sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân? Tàu ngầm diesel-điện sử dụng động cơ diesel cung cấp năng lượng cho động cơ điện để đẩy tàu di chuyển trong nước. Nhưng những động cơ đó cần nhiên liệu để hoạt động, điều này đòi hỏi tàu ngầm phải thường xuyên nổi lên trên mặt nước để tiếp nhiên liệu. Do đó, nó dễ bị phát hiện hơn, làm giảm hiệu quả của tàu ngầm như một vũ khí tàng hình. Còn tàu ngầm năng lượng hạt nhân tự sản sinh nguồn năng lượng và không buộc phải tiếp liệu như tàu ngầm diesel-điện. Ngoài ra, tàu ngầm năng lượng hạt nhân có thể lẩn trốn dưới biển không bị phát hiện trong thời gian dài và chỉ chịu hạn chế chủ yếu bởi nguồn cung cấp thực phẩm và nước cho thủy thủ.
So với tàu ngầm thông thường, tàu ngầm năng lượng hạt nhân thường có kích thước lớn hơn và cần thêm cơ sở hạ tầng đắt đỏ để bảo trì. Australia chưa đủ chuyên môn để tự đóng tàu ngầm năng lượng hạt nhân do vậy buộc phải mua hoặc học hỏi từ Mỹ hoặc Anh.
Ban đầu, Australia lên kế hoạch mua tàu ngầm năng lượng diesel với Pháp vào năm 2016. Tuy nhiên, Australia từ bỏ thỏa thuận với Pháp vào năm 2021 khiến Paris không hài lòng. Thỏa thuận với Australia cũng đánh dấu lần đầu tiên trong 60 năm qua, Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân của nước này. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ với Anh. Thỏa thuận mới còn giúp Australia vào nhóm 7 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.
Một quan chức quốc phòng Australia tiết lộ với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng dự án tàu ngầm này tính đến năm 2055 sẽ tiêu tốn của nước này 245 tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thỏa thuận còn có ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi quốc phòng. Nó được cho có thể tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm không chỉ tại Australia mà còn ở Anh và Mỹ. Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 13/3 cho biết AUKUS sẽ hình thành 20.000 việc làm trực tiếp cho công dân nước này.