Liên kết vùng để cùng nhau ứng phó hạn mặn
Tin tức 17/04/2024 10:48
Người dân ở Bến Tre kiểm tra cống đập ngăn mặn, trữ ngọt ở địa phương nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt trong mùa hạn mặn 2024. |
Cao điểm xâm nhập mặn
Theo nhận định của ông Lê Đình Quyết, từ nay tới cuối tháng 3, sang tháng 4 vẫn ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao, sang tháng 4 và tháng 5/2024 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Nắng nóng vẫy gay gắt, lương bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5/2024, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao (8-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8-14/4, ranh mặn 4g/l tại các cửa sông như Vàm Cỏ từ 80-95km, các cửa sông Cửu Long từ 50-65km, sông Cái Lớn từ 45-55km.
Theo ông Lê Đình Quyết, để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mê Công chảy về ĐBSCL thấp, gió đông bắc mạnh, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tới sớm và mức độ gay gắt hơn; Lãnh đạo Đài khu vực liên tiếp chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh ra những bản tin dự báo, cảnh báo hạn dài, tập trung vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Các Đài này ở tỉnh cũng luôn trao đổi, tham mưa cho đơn vị vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, ngăn triều để đưa ra quy trình vận hành hợp lý, hiệu quả.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm. Từ giữa tháng 11/2023, hạn mặn đã xuất hiện đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8-13 ranh mặn 4g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn; ranh mặn 1g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km. Tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại Bến Tre giảm chậm từ ngày 14 đến các ngày 18-19, tăng trở lại từ ngày 19-20/3/2024.
Đến thời điểm hiện tại mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn so với năm 2016, cụ thể tại Bến Tre sáng 26/3, độ mặn 1g/l xâm nhập tại Cửa Đại khoảng 69 km, sông Hàm Luông 72 km, Cổ Chiên 58 km, giảm hơn so với đợt sâu nhất đầu mùa đến nay (8-13/3). Tiền Giang có độ mặn lớn nhất thực đo tại các vùng cửa sông xuất hiện đầu tuần ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt mức cao nhất trong thời gian tháng 3/2024. Tình hình xâm nhập mặn đang ở giai đoạn cao điểm.
Chia sẻ nguồn nước
Trao đổi với phóng viên TTXVN về những thuận lợi, khó khăn trong công tác ứng phó xâm nhập mặn, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, được sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành, Trung ương đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình thủy lợi và cấp nước quan trọng, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.
Các công trình được đầu tư đã và đang phát huy được hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng chống và ứng phó với hạn mặn đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ và được sự hưởng ứng, đồng thuận của Nhân dân.
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, đến nay người dân trên địa bàn tỉnh đã ý thức và có sự chủ động hơn trong công tác ứng phó với mặn. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh vẫn chưa được khép kín như hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai, do đó tỉnh Bến Tre chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt và kéo dài.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến nguồn nước thô của các nhà máy nước nông thôn, dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao theo diễn biến xâm nhập mặn. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, công nghệ lọc mặn cũng còn rất hạn chế, do phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trãi tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung.
Người dân ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chủ động trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt ăn uống trong mùa hạn mặn 2024. |
Về các giải pháp giúp người dân thích ứng trong sản xuất và sinh hoạt, Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho rằng tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên. Qua các đợt hạn mặn cho thấy rằng, khả năng thích ứng của người dân rất là quan trọng trong công tác phòng, chống và ứng phó. Vì vậy, để giúp người dân thích ứng trong sản xuất và sinh hoạt, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên báo, đài, cổng thông tin của tỉnh, mạng xã hội như Zalo, Facebook,v.v. xây dựng tài liệu khuyến cáo và phổ biến rộng rãi để người dân nắm bắt các thông tin kịp thời ứng phó. Tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.Đồng thời các địa phương tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nhân rộng cách làm hay, mô hình thích ứng hiệu quả trong sản xuất cũng như các mô hình trữ nước ngọt trong thời gian qua để giúp người dân nâng cao năng lực thích ứng với xâm nhập mặn.
Liên kết vùng để cùng nhau ứng phó hạn mặn
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng đã có những giải pháp công trình và phi công trình có thể liên kết vùng để cùng ứng phó hạn mặn ngày càng gay gắt và các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.
“Thực hiện liên kết vùng để cùng ứng phó hạn mặn được xem là một trong các giải pháp quan trọng trong tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, đặc biệt là trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước những tác động đã và đang diễn ra, cùng với các dự báo trong tương lai về tình hình an ninh nguồn nước trong khu vực, trong thời gian tới, nguồn nước về ĐBSCL ngày càng sẽ bất lợi hơn, khả năng thiếu nước không chỉ xảy ra ở những năm cực đoan hạn, mà còn có thể xảy ra ở những năm bình thường. Vì vậy, việc liên kết vùng để cùng nhau ứng phó là rất cần thiết”. Ông Trần Ngọc Tâm, Chủ tịch theo UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.
Thông tin về việc liên kết vùng để cùng nhau ứng phó hạn mặn, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tỉnh này đang phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, mục tiêu cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch hiện hữu và tương lai dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng đang đề xuất một số dự án khác để cùng nhau thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng. Cụ thể như dự án hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững từ nguồn KOICA, dự kiến thực hiện tại 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, với mục tiêu Phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - bền vững gắn kết chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng hấp thụ giảm thiểu phát thải nhà kính.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan Trung ương và các Viện, Trường nghiên cứu, đánh giá tính khả thi dự án cống điều tiết nước trên sông Hàm Luông nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận.
Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án thủy lợi để sớm đưa vào sử dụng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương đầu tư một số công trình trọng điểm thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) và các công trình thủy lợi quan trọng thực hiện trong giai đoạn đến 2030 nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 (đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230km đê bao, bờ bao; 29 công trình cống).
Trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre cho biết ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã có kế hoạch và chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác chuẩn bị và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình xâm nhập mặn đảm bảo cấp nước trong sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Tỉnh cũng đã kết hợp đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình.
Bên cạnh việc triển khai các văn bản của Trung ương, tỉnh Bến Tre thông tin rộng rãi về tình hình xâm nhập mặn với nhiều hình thức, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo, Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết.
Theo đó, hầu hết các ngành, địa phương trong tỉnh Bến Tre đều xây dựng và đang triển khai các phương án ứng phó linh hoạt theo tình hình xâm nhập mặn. Trong đó, thường xuyên kiểm tra độ mặn nước nguồn và nước cấp, vận hành các công trình linh hoạt, phù hợp với diễn biến mặn; triển khai phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chia sẻ, đấu nối chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt (hoặc độ mặn thấp) đến nhà máy nước nơi có độ mặn cao; vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống. Một số nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện Ba Tri và Mỏ Cày Bắc đã thực hiện việc mua nước qua đồng hồ tổng từ các đơn vị cấp nước khác để phục vụ trong các thời điểm xâm nhập mặn tăng cao.