Làm BOT “sướng nhất”!
Trong mắt người già 10/11/2021 09:02
Nhà nước thực hiện loại dự án này nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, khi ngân sách khó khăn, không thể đầu tư cùng lúc nhiều công trình, nhất là giao thông. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh, các dự án BOT giao thông từng gặt hái nhiều lợi nhuận, thậm chí có DN bị nghi ngờ giấu doanh thu hay dự án liên danh đã xảy ra hiện tượng nghi ngờ nhau về doanh thu, lợi nhuận. Khi đó tuyệt nhiên chẳng thấy DN nào đòi trả BOT cho Nhà nước.
Cách đây mấy năm, Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép trả lại dự án BOT tại trạm thu phí T2 (Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang); hoặc hoàn trả lại cho đơn vị này 880 tỉ đồng! Động thái này, gây ra những ý kiến trái chiều và lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Lí do đươc Công ty này đưa ra là chủ đầu tư sau 3 năm hoạt động hiện đang bị lỗ 99 tỉ đồng và có nguy cơ nợ xấu ngân hàng, nhất là khi trạm thu phí T2 có thời gian buộc phải xả trạm.
Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sử dụng nguồn vốn từ gói kích thích kinh tế để xử lí các dự án BOT không thể tiếp tục thu phí hoàn vốn, số tiền hơn 9 nghìn tỉ đồng. “Xử lí” hiểu nôm na là Nhà nước dùng tiền ngân sách mua lại các BOT đang “khó khăn”! Đề xuất này gây nên sự tranh luận trái chiều. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hoàn trả lại dự án sẽ làm sai lệch ý nghĩa của dự án công tư và có thể vi phạm các điều khoản kí kết hợp đồng.
Thời gian qua, một số dự án BOT khi được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm, lỗ hổng và thiếu minh bạch. Không ít trạm BOT đã phải cắt giảm hàng chục năm thu phí với số tiền hàng trăm tỉ đồng vì đầu tư ít, khai nhiều. Nay nếu mua lại BOT, có thể Nhà nước sẽ “hớ”!
Bất kì loại hình kinh doanh nào cũng có thể gặp thuận lợi hoặc rơi vào tình huống khó khăn. Thuận lợi thì DN được hưởng nhưng khó khăn, rủi ro DN cũng phải lường trước. May rủi trong kinh doanh là một phần khó tránh. Khi có vướng mắc, khó khăn thì trước tiên DN cần tìm cách tháo gỡ, nếu bất khả kháng thì đề nghị cơ quan quản lí cùng tìm cách tháo gỡ.
Có loại hình kinh doanh mà khi lợi nhuận thì DN đắc lợi, khi rủi ro lại được người khác “gánh đỡ” thì ai chẳng muốn làm? Nhà nước “cứu” BOT sẽ tạo tiền lệ và bất bình đẳng với DN khác.
Nếu đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải được chấp nhận thì rõ ràng… làm BOT là “sướng nhất”!