Hữu tình non nước Lập An
Đời sống 09/04/2021 09:22
Mây nước Lập An
Đi tàu hỏa trên con đường thiên lí Bắc-Nam, du khách có thể nhìn thấy đầm Lập An lớn và khá đẹp trước khi qua hầm đèo Hải Vân. Tuy nhiên, rất thú vị khi đi xe máy một vòng quanh đầm Lập An trên con đường rất đẹp, nhất là vào buổi chiều có cảm giác như một bức tranh thuỷ mặc. Chưa hết, do vùng này có sông núi, đầm hồ, rừng nguyên sinh… nên nếu có thời gian, bạn tha hồ khám phá những con suối bên vách núi cùng thác nước, bãi đá, rừng cây mang vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của một vùng non xanh nước biếc hữu tình.
Khu vực đầm Lập An thuộc vùng Lăng Cô có diện tích mặt nước rộng 3,5km, dài 0,6km, diện tích 1.600 ha, sâu trung bình 1,5m, sâu nhất trên 3m, trao đổi nước ngọt với nước biển rất tốt nhờ thủy triều. Điểm xuyết trên mặt hồ có những chiếc chòi nhỏ của dân chài nước biển trong và xanh ngắt - cái màu xanh đặc biệt pha giữa sắc lam của mây trời lẫn sắc lục của núi rừng. Nơi đây, vào lúc bình minh rực rỡ hay hoàng hôn tím biếc, du khách thấy mây bay lồng bóng nước trên mặt đầm và cảnh ngư dân đủng đỉnh vác ngư cụ và thuỷ sản về sau một ngày, đêm đánh bắt.
Cửa biển đầm Lập An thông ra biển đông |
Đầm Lập An nối với vịnh biển Lăng Cô, là một trong những đầm nước lợ lớn và đẹp thuộc hệ thống đầm phá phong phú của xứ Huế. Tuy là đầm nhưng nước rất trong có thể nhìn thấy đáy, xanh ngắt màu trời. Bao quanh đầm phía tây là con đường chạy ven chân núi, tạo một cảnh quan hết sức nên thơ: Một bên là dải nước xanh như ngọc, một bên là núi non trùng điệp. Từ vịnh Lăng Cô, biển “lấn“ vào mặt đầm dưới cầu Lăng Cô thông với đầm Lập An với ghe thuyền neo đậu. Bạn có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ với vài ba bạn bè ngồi “thả rông” thuyền trên đầm để câu cá thì tuyệt diệu quá chừng.
Khu vực Lăng Cô, đầm Lập An được đánh giá là một trong những nơi đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á. Dân cư vùng biển và đầm phá này có khoảng hơn 11.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản và dịch vụ du lịch. Trên đầm Lập An, Cứ mỗi chiều, từng đàn cò trắng nhấp nhô bay về đầm tìm chỗ ngủ. Vì thế, nơi đây ngày trước còn có tên là Làng Cò, sau này người Pháp có thể đọc trại thành Lăng Cô. Lăng Cô trước đây được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Vua Khải Định trong chuyến tuần du năm đầu lên ngôi (mùa Hè 1916) đã đi suốt một dải sông núi phía nam Kinh Đô. Hiện nay, ở thôn An Cư Đông có một bia đá khắc bài văn của vua Khải Định ca ngợi vẻ đẹp của khu vực Lăng Cô và đầm Lập An: “Thôn yên đảo vắng, nơi đây mây biếc ráng hồng, bãi hạc hầm cò. Đất từ núi thẳm, đảo cát giăng ngang, sông tiếp đại dương, dòng chảy quanh quất. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng. Nhìn xuống dưới nước thì gió xô sóng biển như muôn ngựa về chầu. Đắm nhìn hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở ra”.
Hữu tình non nước Lập An |
“Làng nghề” nuôi hàu trên đầm Lập An
Hiện nay, khu vực đầm Lập An là vựa hàu lớn nhất của vùng vịnh Lăng Cô. Ước tính mỗi ngày, ở Lăng Cô xuất ra thị trường hàng chục tấn hàu tươi. Vì đây là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được người dân ưa chuộng. Thời điểm này đang chuẩn bị vào mùa Hè, mùa du lịch trọng điểm của vịnh biển Lăng Cô nên vào đầu hè là lúc hàu bán chạy nhất. Ngoài ra, với đặc thù đầm phá giữa nước lợ và nước mặn nên hải sản ở đây như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, cá thu, cá chim, sò huyết, hàu... có độ ngọt tuyệt vời mà không dễ “nơi mô” có được. Bạn có cơ hội thưởng thức hoặc mua làm quà các loại mắm tôm chua, mắm sò huyết về chấm với thịt heo luộc và rau sống thì ngon đến độ không thể nào quên.
Điều đáng quan tâm, hải sản ở Lập An - Lăng Cô có tiếng là ngon và rẻ đến bất ngờ. Hải sản ở đây có đặc điểm là không lớn lắm, nhưng thịt lại ngọt và chắc. Nếu có thời gian rỗi đi sâu vào xóm chài, có thể mua hải sản vừa đem từ ghe về với giá rất mềm. Giá hàu chưa tách 20.000đ/kg, đã tách 70.000đ/kg”. Vừa thưởng thức “hàu sữa” vừa ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn trên đầm Lập An thật tuyệt diệu với làn nước trong xanh, xa xa là núi Bạch Mã trập trùng ẩn hiện trong màu lam sương khói. Còn gì vui thú hơn?
Thời gian qua, để giữ cảnh quan cho khu vực giàu tiềm năng du lịch và làng nghề, chính quyền địa phương đang quy hoạch diện tích nuôi hàu ở đầm Lập An còn khoảng 100 ha, chia thành 5 khu vực, mỗi khu vực có chiều dài 200m, cách nhau 15-20m, cách bờ 50m và tránh những luồng lạch ảnh hưởng đến tàu, thuyền ra vào đầm. Phương thức nuôi hàu chuyển từ nuôi bằng lốp xe máy, xe đạp… sang mô hình nuôi bè tre âm mặt nước đang được áp dụng. Hiện tại, các cơ quan chức năng của huyện Phú Lộc đang phối hợp với chính quyền thị trấn Lăng Cô tiến hành giải tỏa một số diện tích nuôi hàu để đưa vào vùng quy hoạch nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm cho môi trường nước, đồng thời giữ cảnh quan môi trường xung quanh cho vịnh Lăng Cô.