Hướng đến “Kinh đô áo dài Việt Nam”
Xã hội 05/01/2021 10:06
Lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát - người có công khai sinh ra áo dài Việt Nam diễn ra tại Triệu Tổ miếu, Đại nội Huế ngày 9/7/2020 - nhân kỉ niệm 255 năm ngày mất của ông (1765-2020).
Sau khi đúc ấn quốc và lên ngôi vương ở Phú Xuân, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát - vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765 đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi làm sao cho y phục xứ Đàng trong tạo ra một diện mạo mới của vương quốc. Đó là chiếc áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lí cao đẹp của con người: Bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con.
Nếu như Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng - vị Hoàng đế thứ 2 của Triều Nguyễn lại có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là Kinh đô áo dài. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức, mà còn phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang hưng thịnh. Áo dài trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục của dân tộc.
GS.TS triết học Thái Kim Lan cho biết, từ khi áo dài xuất hiện, chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã ban bố bắt buộc mọi người phải mặc thì áo dài đã có một ý nghĩa lịch sử rất lớn: Áo dài là quốc phục. Đồng tình với ý kiến của GS.TS Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Xuân Hoa nói rằng, dù chưa ai công nhận áo dài là quốc phục nhưng gần đây, người dân vẫn xem nó là quốc phục. "Tại hội nghị APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ấy đã mặc áo dài và tặng cho các nguyên thủ của các nền kinh tế trong APEC mỗi người một bộ áo dài cả nam lẫn nữ".
Huế - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện, tạo ra những tà áo dài tinh tế, sắc sảo, cùng đội ngũ những người thợ may chuyên nghiệp đã thể hiện rõ vị trí và vai trò áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử. GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ: “Chiếc áo dài đã trải qua nhiều biến đổi và mỗi lần biến đổi đều có nét đẹp riêng. Tuy vậy, phải giữ chiếc áo dài đúng cung cách truyền thống cũng như khôi phục truyền thống mặc áo dài”.
Liên quan chuyện áo dài nam, nhiều người cho rằng, áo dài nữ rất đặc sắc, nhưng áo dài nam cũng rất cần phải được phổ biến nhiều hơn như là quốc phục của đàn ông Việt. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt cho biết, quá trình nghiên cứu tìm hiểu về chiếc áo dài nam, ông bất ngờ vì đó là chiếc áo dài “ngũ thân” của triều Nguyễn. Việc khôi phục áo dài nam không đâu khác ngoài áo dài của Huế. Với vị thế là quê hương của áo dài, Thừa Thiên Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam cũng như tổ chức các cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại…
Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc đáo của vùng đất cố đô, ngoài vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài trong sinh hoạt, còn tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, tổ chức ngày hội áo dài Huế, khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế. Xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế… đó là bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới góp phần, xây dựng thành công thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài