Gian nan những mảnh đời già...(Kì cuối)
Phóng sự 05/07/2019 07:56
Tình yêu luôn là nhu cầu cấp thiết của mỗi người, nhưng việc tìm kiếm cho mình "nửa kia" khi tuổi đã xế chiều không đơn giản. Điều đó không chỉ được quyết định theo ý chí chủ quan, tâm nguyện của các bậc ông bà, cha mẹ, mà đôi khi phụ thuộc vào sự tán đồng hay phản ứng của con cái…
Vợ chồng bà Trần Thị Chuyên(*) ở huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; từng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Những năm còn công tác, ông bà nồng ấm yêu thương bên nhau, vừa phấn đấu công tác thành đạt, vừa nuôi dạy con cái nên người. Suốt thời gian đương chức, ông bà sống chu đáo, nhiệt tình, đúng mực, được cán bộ, nhân viên cơ quan, địa phương nể trọng, lấy làm gương soi để điều chỉnh bản thân và giáo dục con cái. Nghỉ hưu, kinh tế gia đình khá giả, ông có điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao với các bạn già; còn bà thì ở nhà vui vầy con cháu, chăm lo cơm nước cho ông. Cũng từ đó, ông mải mê tham gia công tác xã hội, hết trong huyện lại đi tỉnh, có khi còn giao lưu sang các tỉnh bạn. Run rủi thế nào ông kết bạn tình với một cô trung tuổi ở dưới thành phố. Nhiều lần, bà bắt gặp ông nhắn tin bằng điện thoại, chat qua facebook. Ban đầu, bà bất ngờ lắm! Rồi cũng làm cái việc mà phụ nữ thường làm khi bắt gặp chồng ngoại tình là đánh ghen. Bà thuê người theo dõi, tìm hiểu, gặp cảnh cáo "tình địch"; thông báo họp các con, rồi thu hồi điện thoại, Ipad, tra hỏi, khóc lóc, giận hờn cả tuần liền. Không khí gia đình căng thẳng, ảm đạm như nhà có đám. Mọi người ăn không ngon, ngủ không yên, cứ nhìn thấy nhau là buồn thỉu buồn thiu, không còn cảm xúc vui vẻ, cười đùa thoải mái như trước. Niềm tin và sự kính trọng của con cháu với ông cũng giảm đi phần nhiều. Mặc dù ông cũng tỏ ra "ngoan ngoãn", ăn năn hối cải, xin lỗi bà và các con, nhưng phải mất một thời gian dài bà mới có thể vơi bớt nỗi đau bị chồng phản bội.
Ông Nguyễn Ngọc Mai, sinh năm 1953 sống một mình tại ngôi nhà riêng khép kín đầy đủ tiện nghi ẩn sâu trong Khu du lịch Suối Hai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Cách đây hai chục năm, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo. Sau nhiều năm trời đằng đẵng chăm lo, đi khắp nơi, tìm đủ thầy thuốc chạy chữa, ông cũng không giữ nổi người vợ yêu thương bên mình - bà đã bỏ ông ra đi. Nay các con ông đều là cán bộ, doanh nhân thành đạt, lập gia đình, sinh sống tại thị xã Sơn Tây và nội thành Hà Nội. Tiền con cho để dưỡng già, ông thường trích một phần làm từ thiện, khi thì góp công đức xây chùa, khi tặng học sinh nghèo vượt khó. Mặc dù các con thường vận động ông về ở cùng, nhưng để thoải mái, ông chọn cách đi về, ở nhà ít ngày lại đến thăm con cháu. Mấy năm gần đây, ông làm quen và kết thân với một bà ở cách nhà hơn sáu chục cây số. Qua nhiều lần thăm hỏi, đi lại, ông bà dự định kết bạn trăm năm, làm chỗ dựa chăm sóc nhau lúc cuối đời. Ông bà quyết định sau khi cưới sẽ chọn nhà bà làm nơi cư trú, sửa sang lại cái quán nhỏ bên cạnh làm chỗ bán trà nước, vừa vui tuổi già vừa có đồng ra đồng vào. Nhưng khi đặt vấn đề, các con ông cho rằng, ông không thể "ở rể" nhà vợ vì sẽ rất vất vả; nếu ông bà cưới nhau thì bà về ở nhà ông. Cũng vì lí do đặc biệt, bà không thể về Suối Hai sinh sống. Ông ngậm ngùi: "Thế là, để giữ hài hòa quan hệ hai bên, tôi quyết định dừng lại ở mức… tình bạn. Chúng tôi vẫn qua lại thăm hỏi nhau khi rảnh rỗi, động viên nhau lúc ốm đau hay trái gió trở trời".
…Trong các chuyến công tác đi cơ sở, tôi cũng được nghe kể nhiều câu chuyện tình lãng mạn của những người cao tuổi từng trải qua nhiều hao khuyết cuộc đời. Họ luôn sống chan hòa, mẫu mực, lấy câu lạc bộ, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao làm niềm vui. Ở đó, nhiều cặp ông bà gặp nhau, chia sẻ, đồng cảm, đến với nhau bằng cảm xúc "tình già". Đặc biệt hơn một số trường hợp éo le khác, họ được con cái vun đắp, xây dựng, tạo điều kiện bên nhau. Việc ông bà chăm nhau không chỉ đơn thuần là kề cận, hỗ trợ, trông nom khi bóng xế chiều tà, mà tình yêu khiến họ trở thành chỗ dựa tinh thần quý báu, là động lực nhân lên hạnh phúc, để người cao tuổi phát huy vai trò cây cao bóng cả, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tri thức, đạo đức làm người. Đó cũng là tư tưởng tiến bộ, giải pháp hữu hiệu giúp ông bà, cha mẹ sống vui, sống khỏe, sống có ích; giảm tải gánh nặng cho con cháu, gia đình và xã hội.