Gia đình liệt sĩ Hồ Tùng Mậu – 4 đời hy sinh vì nước.
Phóng sự 27/07/2020 08:14
Ngày 23/7/1951, cụ Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường đi công tác qua thị trấn Còng tỉnh Thanh Hóa. Ở Việt Bắc, hay tin dữ về người đồng chí trung thành, người anh em chí thiết đã hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghẹn ngào viết lời điếu chia tay liệt sĩ Hồ Tùng Mậu:“... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện. Ðoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết”.
Sử xanh nghìn thủa còn ghi…
Tháng 7/2020, nhân duyên tôi đến với Quỳnh Đôi, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương “Bà chúa Thơ Nôm”. Bên cạnh bia tưởng niệm nữ sĩ là khu lăng mộ liệt sĩ Hồ Tùng Mậu nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam.
Theo gia phả họ Hồ, chi 5 ở Quỳnh Đôi thì gia đình liệt sĩ Hồ Tùng Mậu (tức Hồ Bá Cự) có tới 4 đời hy sinh vì nước.
Chân dung liệt sĩ Hồ Tùng Mậu |
Đầu năm 1920, người thanh niên Hồ Tùng Mậu (24 tuổi) thoát ly tìm đường cứu nước với lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí “Con đi làm việc nước cũng là để báo hiếu với gia đình...”
Gia đình cụ Hồ Tùng Mậu, ở làng Quỳnh Đôi (một làng khoa bảng nổi tiếng cả nước), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông nội cụ Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Bá Ôn (thuộc hậu duệ đời thứ 13 ở Quỳnh Đôi), đậu Phó Bảng khoa Ất Hợi (1875). Ngày 26 và 27/3/1883, Pháp tấn công thành Nam Định. Án sát Hồ Bá Ôn cùng Đề đốc Lê Văn Điếm chỉ huy binh lính chống trả quyết liệt. Lê Văn Điếm anh dũng hi sinh. Hồ Bá Ôn cầm cự kiên cường trên mặt trận cửa Đông thành: “Ông tả xung hữu đột, hết sức chiến đấu không ngừng. Chính khẩu thần công ở cửa Đông này đã bắn thủng tàu địch, bắn trúng đùi tướng giặc”. Cụ bị trọng thương, được binh sĩ đưa về tuyến sau chăm sóc nhưng không qua khỏi. Ngày 29/4/1883, cụ trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, hưởng dương 41 tuổi. Hay tin này, Vua Tự Đức than rằng: “Không tránh cái chết mà mất theo thành, Hồ Bá Ôn hơn kẻ tránh cái chết xa lắm”. Vua đặc cách truy tặng cụ hàm Quang Lộc tự khanh, cấp tiền tuất, cho con cháu được tập ấm. Vua còn tự tay thảo bài Chế tỏ lòng thương tiếc gửi kèm sắc phong đưa tới Quỳnh Đôi. Bài chế có đoạn: “… Nghĩ như khanh, Hồ Bá Ôn … giống dòng xứ Nghệ, thế phiệt châu Hoan, vườn Quỳnh thơm ngát … đức độ vang xa…Thuốc khôn chữa được mệnh, thua vẫn thơm danh ! Người cùng mất với thành, ôm hận mà thác ! Triều đình ban lời khen, sưởi ấm hồn thiêng nơi âm thế/Trong sử xanh nghìn thuở còn ghi, lưu thơm mãi mãi!”.
Cụ Phó Bảng Hồ Bá Ôn có 2 người con trai là Hồ Bá Kiện và Hồ Thúc Linh. Cụ Hồ Bá Kiện chính là cha của nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, cụ là một chí sĩ trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và bắn chết trong khi vượt ngục tại Lao Bảo năm 1915, sau 32 năm người cha là cụ Hồ Bá Ôn anh dũng hy sinh .
Hồ Tùng Mậu người cán bộ lão luyện của cách mạng Việt Nam.
Cụ Hồ Bá Kiện chỉ có người con trai duy nhất là Hồ Tùng Mậu. Truyền thống yêu nước của ông cha đã hun đúc trong dòng máu người thanh niên làng Quỳnh Đôi -Hồ Bá Cự ( đời thứ 15 họ Hồ trên đất Quỳnh Đôi). Năm 24 tuổi Hồ Tùng Mậu tới Quảng Châu (Trung Quốc), anh nhanh chóng cùng những thanh niên cấp tiến trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu lập ra trước đó thành lập nhóm Tâm tâm xã.
Khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (11/1924), nhờ sự tích cực chắp mối liên lạc của Hồ Tùng Mậu. Nguyễn Ái Quốc chọn anh là một trong số năm thành viên đầu tiên của Cộng sản đoàn, là những hạt nhân để mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu. Hồ Tùng Mậu chính là người khởi đầu cho sự thất bại hai kế hoạch lớn của mật thám Pháp, góp phần quan trọng đầu tiên giải cứu hai lãnh tụ lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20 là cụ Phan Bội Châu và nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu ( bên trái) và Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Tháng 3/1926, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1927, cụ bị chính quyền Trung Quốc Quốc dân Đảng bắt giam 3 lần, lần lâu nhất bị giam 5 tháng, nhưng cuối cùng cụ được trả lại tự do cùng một số người khác. Tháng 8/1928, cụ lại bị bắt giam tới tháng 11/1929. Sau khi được trả tự do, cụ đến Hồng Kông. Tại đây, cụ gia nhập Chi bộ Hải ngoại của An Nam Cộng sản Đảng. Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp đã cho lập phiên tòa ở Nghệ An để xử vắng mặt và kết án tử hình Hồ Tùng Mậu, với tội danh "Vận động lập Đảng Cộng sản, xúi giục đưa người ra nước ngoài, mưu đồ phản loạn”. Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông, tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Hồ Tùng Mậu là một trong bảy thành viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng), do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị với tư cách "Cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại", tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những năm tham gia cách mạng, cụ Hồ Tùng Mậu bị địch bắt giam nhiều lần trong lao tù đế quốc kéo dài hơn 14 năm. Nhiều nhà tù khắc nghiệt thử thách lòng trung kiên với lý tưởng, với nhân dân, với đất nước của người chiến sĩ cộng sản Hồ Tùng Mậu, luôn tỏa sáng giữa chốn lao tù đế quốc: với niềm tin chân lý: “Anh hùng khôn luận nơi thành bại/Thà chết còn hơn mất tự do”.
Năm 1941, Hồ Tùng Mậu hết hạn tù. Trước khi trả tự do cho cụ, Chánh thanh tra mật thám ở Vinh là Amber cho dẫn vợ con Hồ Tùng Mậu vào nhà lao và dụ dỗ cụ hợp tác với chúng, thôi làm cách mạng, Hồ Tùng Mậu cương quyết cự tuyệt. Vì sự cự tuyệt đó, chính quyền thực dân đưa cụ đi an trí ở “căng” Trà Khê (Phú Yên)
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Ðông Dương, Hồ Tùng Mậu và các đồng chí tranh thủ cơ hội thoát khỏi “căng” an trí. Năm 1946, chuẩn bị đối phó với cuộc kháng chiến đang đến gần, Hồ Chủ tịch đích thân giao nhiệm vụ cho hai cán bộ dày dạn kinh nghiệm là Lê Thiết Hùng và Hồ Tùng Mậu lãnh đạo quân sự và chính trị trên địa bàn xung yếu Chiến khu IV.
Trong thời gian này, cụ được tin người con trai duy nhất của ông là Hồ Mỹ Xuyên đã anh dũng hy sinh năm 1947, đó là cú sốc lớn với cụ về tinh thần “ lá xanh rụng trước lá vàng rụng sau” hy sinh cho Tổ quốc.
Từ tháng 12/1949, cụ đảm nhiệm trọng trách Tổng thanh tra Chính phủ, đã tổ chức, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Cơ quan thanh tra đã thật sự trở thành những “Bao Công của cách mạng”, làm tròn trách nhiệm cao cả Ðảng trao. Ngày 23/7/1951, khoảng 5 giờ chiều, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), đoàn cán bộ của cụ Hồ Tùng Mậu bị máy bay giặc Pháp phát hiện và đuổi bắn, cụ đã anh dũng hy sinh.
Nhà thờ liệt sĩ Hồ Tùng Mậu ở Quỳnh Đôi |
Trọn cuộc đời cách mạng 31 năm không ngừng nghỉ, cụ Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ lão luyện trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Cụ Hồ Tùng Mậu đã thật sự trở thành tấm gương trong sáng của một người cộng sản: có lý tưởng cao cả, hoạt động nhiệt thành, phẩm chất kiên trung, trí tuệ mẫn tiệp, phong cách bình dị. Tên tuổi của cụ là niềm tự hào của đất nước, của quê hương. Cụ Hồ Tùng Mậu được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng, nhiều tỉnh, thành có đường phố mang tên Hồ Tùng Mậu.
Bốn đời trong gia đình liệt sĩ Hồ Tùng Mậu hy sinh vì nước, xứng danh: “Trong sử xanh nghìn thuở còn ghi, lưu thơm mãi mãi!”.