Đón Tết Độc lập – Nét đẹp truyền thống của người vùng cao Minh Hoá
Phóng sự 01/09/2020 13:32
Bà Cao Thị Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá cho biết: “Bình thường mọi năm vào dịp này khắp các địa phương của huyện tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian đặc sắc như đi cà kheo, ném xoang… để mừng Tết Độc lập. Năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên không tổ chức những hoạt động đó nữa, mà chỉ triển khai treo cờ Tổ quốc, vận động nhân dân tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm cũng như từng nhà để mừng ngày Độc lập. Ngoài ra mỗi gia đình cũng tự soạn sửa một mâm cỗ thịnh soạn để cúng ông bà tổ tiên, sum họp gia đình, duy trì không khí Tết Độc lập”.
|
Đã ăn sâu vào tiền thức người dân từ lâu mà không cần phải ai nhắc nhở, bắt đầu những ngày hạ tuần tháng Tám lịch sử, ở khắp các thôn xóm, làng mạc của huyện Minh Hoá đâu đâu cũng rợp trời cờ hoa, biểu ngữ. Cùng với đó, trong mỗi gia đình người dân ở nơi đây, bà con đều chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật, mang đậm bản sắc văn hoá riêng có của một huyện miền núi rẻo cao.
|
Thường món ăn đầu tiên được quan tâm chuẩn bị cho Tết Độc lập là bánh chưng và bánh ít được gói bằng thứ gạo nếp ngon nhất. Rồi vài ba nhà chung nhau cùng mổ một con lợn, rồi thịt gà, thịt vịt, mâm hoa quả chuẩn bị làm một mâm cỗ tươm tất dâng lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ, tưởng nhớ công ơn trời biển của Người…
Năm nào cũng vậy, gia đình ông Cao Văn Tường ở thôn 1 Kim Bảng, xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá cứ vào ngày cuối tháng là tập trung con cháu, mỗi người một tay cùng nhau lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để đón Tết Độc lập.
Ông Cao Văn Tường cho biết: "Truyền thống ăn Tết Độc lập của người dân Minh Hoá chúng tôi là từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945 và đến nay không năm nào có thể bỏ qua được, nó đã ăn sâu vào máu thịt của từng người dân rồi, đó là luôn nhớ tới công ơn của Đảng, Nhà nước đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người dân. Và nhân dịp này gia đình cũng sum họp để thăm hỏi sức khoẻ, động viên con cháu cố gắng học tập, lao động công tác tốt. Nên Tết Độc lập cũng ăn to như Tết Nguyên đán, con cháu dù ở xa cũng tranh thủ về bên gia đình ngày này”.
Bữa cơm sum họp gia đình mừng Tết Độc lập cũng là dịp thăm hỏi sức khoẻ, giáo dục truyền thống Cách mạng đối với các thế hệ con cháu |
Bà Cao Thị Ấm, ở thôn 1 Kim Bảng, xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá phấn khởi nói: “Dù năm nay do dịch bệnh Covid 19, xã không tổ chức bóng chuyền, văn nghệ và bơi đua như mọi năm, nhưng Tết Độc lập vẫn rất vui. Con cháu đi làm ăn xa cũng về đầy đủ, cùng ăn bữa cơm thân mật.Và mong sớm hết dịch bệnh để cuộc sống sớm ổn định trở lại, Tết Độc lập năm sau lại rầm rộ trở lại”.
Theo các bậc cao niên, trước đây người dân Minh Hoá cũng ăn rằm tháng bảy nhưng đơn giản mà không tổ chức to như các địa phương khác. Nhưng từ sau năm 1945, để ghi nhớ ngày Quốc khánh 2/9, nhân dân huyện vùng cao Minh Hoá đã chuyển sang ăn Tết Độc lập vào ngày Quốc khánh 2/9 mạnh hơn. Tuy nhiên, dù là nhà giàu hay người nghèo, mâm cỗ ngày Tết Độc lập bao giờ cũng phải có xôi nếp và gà luộc, món ăn ưa thích không thể thiếu trong tất cả các đám đình hội hè từ bao đời nay.
Từ đó đến nay, Tết Độc lập đã được duy trì như một nét văn hóa có ý nghĩa để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến lịch sử của dân tộc và các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh xương máu của mình giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, năm 1969, khi đang vui Tết Độc lập thì người dân nghe hung tin Bác Hồ mất. Để tỏ lòng tiếc thương Người, trong mỗi nhà dân đều lập bàn thờ, để tang Bác đúng 10 ngày đêm và thường xuyên hương khói. Và từ đó, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, người dân Minh Hoá cũng bày mâm cơm để cúng mừng Tết Độc lập và cũng là để cúng giỗ Bác Hồ.
Những con đường khang trang sạch đẹp nói lên nét đổi mới của người dân Minh Hóa |
Thường mừng Tết Độc lập của người dân Minh Hoá gồm có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, người dân Minh Hoá làm một mâm cơm và đĩa ngũ quả đặt lên bàn thờ gia tiên và Bác Hồ. Phần hội là tổ chức những trò chơi dân gian như đánh đu, ném xoang, ném cù, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…
“Sôi nổi nhất của Tết Độc lập là vào ngày 2/9, từ sáng sớm tinh mơ các gia đình sửa soạn cúng Bác Hồ, ông bà tổ tiên. Sau đó người dân toả đi các nơi thăm hỏi nhau, chơi các trò chơi, mời nhau và ăn uống 3 ngày ba đêm như Tết Nguyên đán. Một điều đặc biệt thể hiện tình đoàn kết, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau là sau lễ cúng, người ta tổ chức “mời chùm” và “ăn chùm”, nghĩa là anh em, bà con, xóm làng, thông gia mỗi nhà làm một bữa rồi mời nhau. Hôm nay nhà này mời, hôm sau nhà khác mời lại….”, cụ Cao Dương ở xã Tân Hoá chia sẻ.
Dù không tổ chức các hoạt động bề nổi (do ảnh hưởng dịch Covid 19) nhưng không khí đón Tết Độc lập vẫn lan toả ở khắp các vùng quê huyện Minh Hoá |
Các bậc cao niên ở đây cho biết, trong ngày Tết Độc lập, hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng, bởi nếu không có bánh chưng thì không phải là Tết. Vì thế, không khí mừng ngày độc lập, thống nhất Nước nhà vừa hồ hởi phấn khởi, trang nghiêm và đầy ấm cúng thiêng liêng. Đây được coi là nét đặc trưng trong ngày Tết Độc lập của người dân nơi đây. Những cặp bánh chưng thơm dẻo được nấu từ gạo nếp nương do chính bà con làm ra, cùng với nhiều món ăn ngon khác được được bày ra đĩa để thắp hương tổ tiên, Bác Hồ. Sau đó, các thành viên trong gia đình, bạn bè, làng xóm cùng nâng cốc chúc sức khỏe, thành công và mừng ngày Quốc khánh…
Tết Độc lập từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Minh Hoá, để rồi dù sinh sống, lao động và học tập ở mọi miền Tổ quốc đều nhớ đến là nét đẹp văn hóa của quê hương. Sau mỗi Tết Độc lập, người đi xa cũng như người ở sở tại, lại cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, để Tết Độc lập năm sau được tổ chức lớn hơn, vui hơn.