Để thương nhau “duyên nợ” đến bây giờ!
Đời sống 22/01/2020 08:12
Qua miền Di tích và Danh thắng
Đã gần 200 năm với danh xưng “Đất phủ Vĩnh Tường” và với bề dày hơn 4.000 năm từ thuở các vua Hùng dựng nước, miền đất này thuộc Phong Châu, sau đổi thành Châu Tam Đái. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Dấu tích của người xưa để lại qua các Di tích và Danh thắng trên đất Vĩnh Tường, đậm đặc vào bậc nhất tỉnh Vĩnh Phúc với 239 di tích gồm 73 đình, 80 chùa, 24 miếu, 11 đền…
Từ bến sông Hồng xã Vĩnh Thịnh, theo đường 13 cũ, là địa phận xã Tuân Chính. Xã này có chùa Hoa Dương, xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1680, được công nhận Di tích cấp quốc gia ngày 12/12/1994 . Từ Tuân Chính theo con đường huyện lộ, chúng tôi đến thị trấn Thổ Tang (huyện lỵ Vĩnh Tường trước ở đây). Thổ Tang là đất nổi tiếng về kinh doanh buôn bán trong tỉnh và cả nước, nơi đây có Miếu Trúc Lâm, thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương là người Anh hùng có công đánh giặc Nguyên Mông. Miếu được xây dựng từ đời Trần, tu tạo lần cuối năm 1882, là Di tích lịch sử cấp Quốc gia được công nhận ngày 9/12/2015.
Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, huyện Vĩnh Tường ngày nay đã khẳng định sự ổn định và bền vững gắn liền với lưu giữ giá trị văn hóa. |
Thổ Tang còn có ngôi đình xây dựng từ thế kỉ XVII cũng thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, đình được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 13/1/1964. Đình Thổ Tang ở gần chùa Tùng Vân, chùa dựng năm Chính Hòa thứ 7, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 21/1/1992. Nhân kỉ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, chùa được cung tiến pho tượng Đức Phật Tổ Thích Ca Mô Ni tạc từ nguyên khối ngọc xanh nặng hơn 10 tấn, cao 3,3m, dày 1,2m. Ngày 16/9/2011 chùa Tùng Vân được sách Kỉ lục Việt Nam xác nhận là “Nơi an vị pho tượng Ngọc Phật nguyên khối lớn nhất tại Việt Nam”.
Trở lại bến sông Hồng của xã Vĩnh Thịnh, xuôi bờ đê bối tới đất xã Vĩnh Ninh quê tôi. Đầu xã là thôn Duy Bình có đền Ngự Dội thờ Tam vị Đức Thánh Tản là thần Sơn Tinh, thần Cao Sơn và thần Quý Minh có công dựng nước và giữ nước. Đền được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1994. Năm 2019, Lễ hội đền Ngự Dội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia... được tổ chức lớn 3 năm một lần vào ngày Rằm tháng Giêng.
Hương đất tình người trong câu hát
Miên man trong cảnh sắc mùa Xuân, chợt tôi lại nhớ về cái thuở miền đất danh xưng phủ Vĩnh Tường gắn với chuyện tình của bà Chúa thơ nôm - nữ sĩ Hồ Xuân Hương, với ông Trần Phúc Hiển - Tri phủ Tam Đái, duyên nghĩa vợ chồng chỉ vẻn vẹn 27 tháng. Ông Tri phủ mất năm 1819, năm 1822 nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng về với thế giới bên kia. Cùng năm 1822, vua Minh Mạng cho đổi tên phủ Tam Đái thành phủ Vĩnh Tường và sau đó xuất hiện bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”, giai thoại cho rằng bài thơ này là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Thêm một câu chuyện tình làm nổi danh đất phủ Vĩnh Tường, đó là chuyện của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học - người con quê Thổ Tang (Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930, cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Bái) với bà Nguyễn Thị Giang, tức cô giáo Giang, nữ đảng viên xuất sắc của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tuẫn tiết sau khi thủ lĩnh Nguyễn Thái Học bị giặc Pháp đưa lên máy chém.
Miền đất này đã vào thơ, vào nhạc với những bài ca “Đi cùng năm tháng”. Bắt đầu là “Tình ca Tây Bắc” sáng tác năm 1959 của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, phổ thơ Cầm Giang, anh vệ quốc quân quê ở Thanh Hóa, lấy cô thôn nữ ở Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh.
Một nhà thơ nữa là Trung tá, cựu chiến binh Bùi Văn Dung, ông quê ở xã Thượng Trưng, miền đất có nhiều cái nhất trong huyện. Ngày ấy, còn là anh bộ đội chiến đấu ở chiến trường phương Nam, nhớ về sông Hồng, nhớ cái rét quê hương, Bùi Văn Dung đã “Gửi nắng cho em”. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ thành ca khúc cùng tên. Ca khúc “Con kênh ta đào” vẫn là cái duyên của nhạc sĩ Phạm Tuyên với thi sĩ phủ Vĩnh Tường làm nên hai bài ca “Đi cùng năm tháng”.
Một nhà thơ không sinh ra ở phủ Vĩnh Tường, nhưng miền đất ven sông của xã Vĩnh Ninh chính là cái nôi nuôi dưỡng bà trở thành nhà thơ sau chống Mỹ - Nghiêm Thị Hằng - cô trò nhỏ của Trường cấp 3 Lê Xoay những năm đầu thập kỉ 70 thế kỉ trước, có 5 bài thơ viết riêng cho vùng đất ven sông được các nhạc sĩ Lê Vinh, Đoàn Bổng và Thanh Phúc phổ nhạc thành các ca khúc: “Mùa hoa cải”, “Về Vĩnh Tường quê anh”, “Khúc hát bên sông”, “Làng ven sông” và “Hát về mái trường Lê Xoay” cũng trở thành những bài ca “Đi cùng năm tháng” mãi ngân vang
Chuyển mình trong thời đại 4.0
Trước ngưỡng cửa mùa Xuân Canh Tý đang về, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Tường tự hào nhìn lại chặng đường 4 năm qua trong nhiệm kì 2015-2020 để có thêm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu. Năm 2020 là năm chuyển mình của vùng đất ven sông trong thời đại 4.0 “phi mã” về đích với mục tiêu tăng trưởng kinh tế: Tổng giá trị sản xuất ước đạt 15.496.317 triệu đồng, tăng thêm 6.602.897 triệu đồng so với năm 2015, trong đó giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - Xây dựng, ngành dịch vụ, ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản đều tăng từ 9-16,6% so với năm 2015.
Ông Lê Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Làng quê Vĩnh Tường giờ đây đã được đô thị hóa, đường nhựa đường bê tông đã về tới từng thôn xóm, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao, toàn huyện có 26/26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Chuyện về sự chuyển dịch kinh tế của vùng đất ven sông Vĩnh Tường, không thể không nhắc tới cây cầu Vĩnh Thịnh (cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng) ở phía Nam của huyện, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 2C tạo thông thương giữa các vùng Tây Bắc, Việt Bắc qua Vĩnh Tường về miền Đông Bắc, Thủ đô Hà Nội và phương Nam. Giờ đây, Vĩnh Tường đã thu hút được. Dự án sản xuất kinh doanh sản phẩm chức năng dinh dưỡng của Công ty Cổ phần DV&TM IAP; Nhà máy Eneright - Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa của Công ty cổ phần ENERIGHT VIỆT NAM tại Cụm Công nghiệp Đồng Sóc, Công ty TNHH Saiyida Vina Technology - sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử tại Đồi Me - xã Yên Lập,... góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ngày càng phát triển.
Bước chân mùa Xuân cũng đưa chúng tôi về những điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghe âm vang “Khúc hát bên sông/ Đất Anh hùng dòng sông hát mãi”, để thương nhau “duyên nợ” đến bây giờ.