Đắm say hương cốm Bắc Hà
Đời sống 15/09/2023 10:19
Nói đến cốm ngon, nhiều du khách đã và đang biết đến chị Vàng Thị Thông, chủ ngôi nhà du lịch cộng đồng: “Bản Liền Pinehomestay”. Chị Thông cho biết: “5 năm nay, Bản Liền hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và lưu trú. Du khách thích nhất là trải nghiệm hái nếp, làm cốm, nên mùa cốm, mùa thu vàng là mùa hút khách du lịch vùng cao này”.
Cốm chị Thông làm theo phương pháp truyền thống nên hạt dẻo, màu xanh tự nhiên và có hương thơm độc đáo. Theo bà con người Tày ở Bắc Hà, để làm được một mẻ cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, song việc đầu tiên là chọn lúa làm cốm. Thông thường, lúa làm cốm thường là nếp nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa. Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa chín hết, như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo, vừa thơm.
Sau đó, cốm được cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều, như vậy mới có được những hạt cốm thơm ngon. Từ những hạt cốm xanh thơm dẻo, qua bàn tay của những người dân chân chất đã tạo nên món cốm quê làm đắm say lòng người.
Ở xã Bản Liền vốn nổi tiếng chè thơm ngon và hương cốm nồng nàn nên hầu hết đến mùa, cốm làm ra ít khi ra được thị trường. Bởi người dân các huyện xung quanh đã đặt trước vụ và trả giá cao, nên bà con làm cốm phải trả hàng cho khách. Theo tập tục của người Tày, mẻ cốm mới đầu tiên làm ra, con gái đi làm dâu được nhà chồng cho phép về thăm bố mẹ đẻ và mang mẻ cốm đó về tặng thông gia. Đó chính là truyền thống đạo lí tốt đẹp gắn kết cộng đồng người Tày nơi đây.
Vùng trung và thượng huyện Bắc Hà khí hậu mang tính ôn đới nên hầu như chỉ trồng cấy được 1 vụ lúa trong năm, bắt đầu từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 10 dương lịch hằng năm. Bên cạnh việc trồng lúa tẻ là chính, nhưng mỗi hộ đều dành lại một phần nương để trồng lúa nếp làm cốm, phục vụ lễ ăn cơm mới truyền thống. Nắm bắt được nhu cầu cốm hiện nay vừa là sản phẩm được thị trường ưa chuộng, vừa phục vụ du lịch nên hơn 10 năm qua, các làng nghề làm cốm nổi tiếng của đồng bào Tày ở thôn Na Lo, xã Tả Chải và hàng chục hộ đồng bào Tày ở các xã Na Hối, Bản Liền, huyện Bắc Hà hoạt động rất nhộn nhịp.
Với mong muốn nâng tầm sản phẩm cốm và khẩu rang truyền thống của địa phương, từ năm 2021, chị Lù Thị Tươi, dân tộc Tày, ở thôn Na Lo đã bắt tay xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cốm Bắc Hà. Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ địa phương, chị Tươi đã cùng với một số chị em trong thôn thành lập tổ hợp tác. Xây dựng sản phẩm cốm với khẩu rang Bắc Hà để cho tất cả mọi người biết đây là sản phẩm tốt.
Mùa Thu vàng đã đến và cũng là lúc những ruộng lúa đã ngả vàng, chín vàng cũng là lúc đồng bào Tày ở Bắc Hà bước vào mùa làm cốm mới. Giờ đây, sản phẩm cốm không chỉ dừng lại ở một nghi lễ mừng cơm mới mà đã từng bước trở thành hàng hóa, được thị trường ưa chuộng bởi hương vị độc đáo và là món quà không thể thiếu của du khách khi đến với vùng cao Bắc Hà; đồng thời tạo thêm ấn tượng sâu đậm về đất và người nơi đây.