Chuyện làm giàu của cựu chiến binh cao tuổi Kim Hên
NCT làm kinh tế giỏi 19/12/2023 13:47
Ông Kim Hên (ngoài cùng bên trái) được Trung ương Hội tôn vinh NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2018-2023 |
Bước vào tuổi 72, ông Kim Hên đã thành công từ mô hình sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước, trồng dừa, bồn bồn, nuôi heo) và làm dịch vụ kinh doanh máy gặt đập liên hợp, máy kéo, máy cày; với doanh thu 5 năm đạt 50,15 tỉ đồng; trong đó, lợi nhuận thu về đạt trên 2 tỉ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 25 triệu đồng. Mô hình của ông tạo việc làm thường xuyên cho 6 thợ máy (mức lương 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng) và hàng chục lao động mùa vụ (thu nhập 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng), trả lương và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Thời thanh niên sôi nổi, 15 tuổi, ông đã xung phong gia nhập lực lượng du kích xã, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sau 30/4/1975, ông tiếp tục tham gia lực lượng quân đội một thời gian. Song do hoàn cảnh gia đình nên ông xin xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, nhưng ông luôn tự hào vì mình đã làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc và còn may mắn hơn biết bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường hoặc mất đi một phần thân thể vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, ông càng quyết tâm phấn đấu để xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với những đồng đội đã anh dũng hi sinh.
Ông Kim Hên |
Ông cho biết: Gia đình đông con, nhà có 10 khẩu, trong khi chỉ có 4 lao động chính, cha mẹ để lại 12 công ruộng nhiễm mặn, mỗi năm bấp bênh 1 vụ lúa. Xuất thân từ nông dân, ông Kim Hên luôn thấu hiểu làm nông nghiệp là rất vất vả, nếu cứ theo cách truyền thống thì cũng chỉ đủ ăn, thu nhập chẳng đáng là bao. Điều đó đã thôi thúc ông không chỉ tiếp tục cần cù, siêng năng mà còn phải tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình làm ăn có hiệu quả để áp dụng vào quá trình sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xã hội. Thường xuyên nắm bắt thông tin, nhu cầu của thị trường và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh phù hợp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại lợi nhuận.
Ông tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kĩ thuật, từ đó, vận dụng những kiến thức đã được tập huấn áp dụng vào sản xuất. Ông bảo, phải chọn được giống lúa, cây giống chất lượng cao; bón phân đúng thời điểm, đúng kĩ thuật, sử dụng loại phân bón phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Thuốc bảo vệ thực vật phun đúng cách, đúng thời điểm, vừa bảo vệ cây trồng, tăng năng suất, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với những ưu tiên đó, mô hình của ông Kim Hên từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn người thân và bà con trong vùng canh tác, sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, giúp các gia đình trong khu dân cư cùng phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông Kim Hên (ngoài cùng bên phải) kiểm tra lúa |
Nhờ kiên trì, từng bước lấy ngắn nuôi dài, đến nay, CCB Kim Hên đã có 20ha đất trồng lúa, trồng dừa có năng suất, chất lượng cao; 2 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất trong gia đình và phục vụ bà con, đồng thời mở rộng mô hình chăn nuôi hàng chục con heo thịt.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông Kim Hên còn luôn nêu gương sáng trong các hoạt động từ thiện xã hội, có ý thức giúp đỡ người nghèo, NCT cô đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn. Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tiền để địa phương lắp hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện mặt trời, tu sửa đường nông thôn, sửa chữa và xây cầu phục vụ việc đi lại của bà con được dễ dàng, thuận tiện. 5 năm qua, ông đã dành 525 triệu đồng tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, các phong trào do địa phương phát động. Đồng thời hỗ trợ cho 12 hộ hội viên và hộ nghèo trong ấp 40 con heo giống, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh Sóc Trăng tôn vinh NCT làm kinh tế giỏi |
Hỏi ông về những khó khăn trong quá trình làm giàu, vươn lên thoát nghèo của đồng bào Khmer, nhất là NCT, ông không ngần ngại: Đề nghị Nhà nước và chính quyền các cấp có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình NCT làm kinh tế giỏi và có các giải pháp nhân rộng mô hình khởi nghiệp để NCT tham gia nhiều hơn vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời cần ban hành các chính sách về đất đai, vốn vay, khoa học - công nghệ để NCT có đủ điều kiện lập nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, mới phát huy được tiềm năng về kinh nghiệm, trí tuệ trong lớp người “cây cao bóng cả” theo chủ trương của Đảng…