Cần giải pháp đồng bộ phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam
Xã hội 06/12/2023 15:00
Nhằm thúc đẩy khoa học nghiên cứu về con người và đẩy mạnh tư vấn chính sách để “không ai bị bỏ lại phía sau”, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội phát huy tiềm năng của bản thân, mọi chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều lấy con người làm trung tâm, vốn con người trở thành nguồn lực cho tiến bộ và công bằng xã hội, từ năm 2023, Viện Nghiên cứu Con người trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu con người. Sáng 6/12, hội thảo “Phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. |
Chủ trì hội thảo có PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người. Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành về vấn đề phát triển con người, dân số và gia đình như: GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS. TS. Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; bà Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;.. Hội thảo cũng có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo tập trung thảo luận về tốc độ già hóa dân số nhanh của Việt Nam và các chính sách an sinh xã hội, những vấn đề liên quan đến phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ở Việt Nam tỉ lệ người từ 60 trở tuổi lên chiếm 11,9% dân số năm 2019 và đến năm 2050 sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều này đặt ra những thách thức về phát triển con người không chỉ cho nhóm NCT mà còn cho toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, già hóa dân số đang là một xu hướng toàn cầu có ảnh hưởng tới hầu hết mọi quốc gia. Chương trình nghị sự vì Phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc kêu gọi không để ai bị bỏ lại phía sau và đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, đặc biệt tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có NCT.
PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, PCT Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh: “Già hóa dân số không chỉ nên nhìn nhận ở nguy cơ mà còn cần được tiếp cận theo hướng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của NCT. Với kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng và cả nguồn lực tài chính, NCT hoàn toàn có thể trở thành những tác nhân và là nguồn lực quan trọng trong cộng đồng để đóng góp tích cực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng, từ đó đề xuất các giải pháp về đóng góp của nghiên cứu con người trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chỉ ra rằng già hóa dân số đã tạo ra các tác động đa chiều, ảnh hưởng tới nhiều chiều cạnh khác nhau của phát triển con người từ kinh tế đến an sinh xã hội, văn hóa, ứng xử... và có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của NCT. Điều này rất cần các nhà khoa học, các nhà quản lí bàn luận, nghiên cứu để có thể tham mưu chính sách về an sinh xã hội, về chăm sóc NCT, đưa ra các giải pháp thích ứng với dân số già trên mọi lĩnh vực cũng như các chiều cạnh của phát triển con người, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia.
Già hóa dân số không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư của đất nước; mà còn tạo sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT và hệ thống y tế, sức ép lên tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT.
Về góc độ xã hội, ảnh hưởng của vấn đề già hóa dân số được phản ánh rõ nhất trong mối quan hệ gia đình, quan hệ giữa các thế hệ. Việc thu hẹp của quy mô gia đình sẽ làm chức năng hỗ trợ của gia đình đối với người già thay đổi do gia đình không còn giữ được cấu trúc truyền thống, liên kết lỏng lẻo giữa các thế hệ trở nên phổ biến hơn. Từ đó xuất hiện các mâu thuẫn xã hội, có khả năng gây ra tình trạng lạm dụng và bạo lực, môi trường sống thiếu thân thiện, thiếu sự tôn trọng và kém an toàn với NCT.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu |
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm giảm áp lực này. Nhiều đại biểu kiến nghị bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới để xây dựng cơ chế chính sách giúp cho NCT được tăng cường tính tự chủ, độc lập về khía cạnh tài chính, có cơ hội và năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe dài hạn, đảm bảo quyền lợi cho NCT.
Về thực trạng đào tạo nghề và tạo việc làm cho NCT, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Theo thống kê, có khoảng 20% NCT có nguồn thu quan trọng nhất là thu nhập qua việc làm. Tuy nhiên, đối với NCT để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập không đơn giản bởi họ đang gặp rất nhiều rào cản, trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho NCT chưa hình thành.
Vì vậy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của NCT trong thị trường lao động nước ta đồng thời xây dựng các chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương; triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, đào tạo tại cộng đồng, bảo đảm NCT có khả năng và nhu cầu được tham gia đào tạo thực chất và hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng các cơ chế chính sách, cung cấp nguồn tài chính cũng là một trong những yếu tố giúp lao động cao tuổi phát huy năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước” .