Các vận động viên Việt Nam đã nỗ lực hết mình
Thể thao 29/07/2021 07:41
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã không thể lọt vào bán kết và phải dừng bước ở lượt thi vòng loại nội dung 200m tự do môn bơi Olympic Tokyo 2020 với thành tích 2 phút 05 giây 30, đứng thứ 26 trên tổng số 29 VĐV dự thi vòng loại.
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên |
Chiều 27/7, đô cử Hoàng Thị Duyên đã xuất trận. Nhưng cũng giống như cái kết buồn của Hoàng Xuân Vinh, Duyên cũng không thể hoàn thành mục tiêu đoạt huy chương tại Thế vận hội.
Bước vào thi đấu, đô cử Việt Nam đăng kí mức tạ khởi điểm an toàn ở hai phần thi cử giật và cử đẩy. Ở lượt cử giật đầu tiên, Hoàng Thị Duyên nâng được mức tạ 95 kg trong lần đẩy thứ nhất nhưng trọng tài không công nhận sau khi xem lại băng quay chậm. Phải đến lần thứ 2, Duyên mới nâng thành công mức 95 kg. Ở lần cử giật thứ 3, Ban huấn luyện quyết định nâng mức tạ lên 98 kg, nhằm giúp Duyên tranh vị trí thứ 2. Tuy nhiên, cô thất bại và xếp hạng 5 phần thi này.
Đô cử Hoàng Thị Duyên |
Sang phần thi cử đẩy, đô cử 25 tuổi thành công ở lượt đầu tiên với mức tạ 113 kg, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam đều “thở phào”. Để cạnh tranh huy chương, Ban huấn luyện đã nâng mức tạ tiếp theo lên thành 119 kg. Nhưng Duyên không thành công ở cả 2 lần cử sau đó và kết thúc phần thi chung kết với tổng cử 208 kg, đứng thứ 5 chung cuộc. Trong khi đó nữ lực sĩ Kuo Hsing-chun (Đài Loan, Trung Quốc) tiếp tục thể hiện sức mạnh khi giành tấm HCV với tổng cử 236 kg (cử giật 103 kg, cử đẩy 133 kg). Cả 3 mức tạ của Hsing-chun đều thiết lập kỉ lục Olympic.
Thi đấu thể thao không ai nói trước được điều gì. Trước lúc lên đường thầy trò HLV Lưu Văn Thắng tràn đầy quyết tâm, mọi hi vọng của cả Đoàn đều đổ dồn vào Duyên. Không ai dám nói ra vì sợ Duyên bị ảnh hưởng tâm lí nhưng tất cả đều chờ mong. Tuy nhiên, kỳ tích đã không đến. Sau lần cử đẩy cuối cùng, Duyên bật khóc trên sàn khởi động. Những giọt nước mắt lăn dài trên má của cô cũng là nỗi buồn tê tái mà các thành viên Đoàn thể thao Việt Nam có thể cảm nhận được trong buổi chiều hôm qua. HLV Lưu Văn Thắng nói: “Hôm nay Duyên đã không thể vượt qua chính mình. Thành tích khi tập luyện của em luôn ổn định ở mức 215 kg tổng cử nhưng hôm nay có lẽ do quá căng thẳng trước đấu trường lớn, Duyên đã không còn là chính mình”.
Chiều qua kình ngư Nguyễn Huy Hoàng thi đấu cực kỳ nỗ lực khi tranh tài với 7 VĐV cùng nhóm là Akos Kalmar (Hungary), Vuk Celic (Serbia), Dimitrios Markos (Hy Lạp), Jose Lopes (Bồ Đào Nha), Zac Reid (New Zealand) và Cheng Long (Trung Quốc) ở cự ly 800m tự do nam. Anh bám đuổi quyết liệt Zac Reid và cán đích ở vị trí thứ nhì với thành tích 7:54:16. Tiếp đó, Nguyễn Tiến Minh dù thi đấu cố gắng nhưng cũng phải gác vợt trước đối thủ kém 15 tuổi Ade Resky Dwicahyo (Azerbaijan) ở trận thứ hai bảng L, nội dung đơn nam môn cầu lông sau hai séc đấu với tỷ số là 14- 21 và 18 – 21.
Dù thi đấu nỗ lực nhưng Nguyễn Tiến Minh đành chia tay Olympic sau hai trận thua |
Ở môn bắn cung, vận động viên trẻ tuổi nhất của đoàn Việt Nam, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã thể hiện bản lĩnh tốt trước vận động viên nước chủ nhà và chỉ chịu thua bằng loạt tie-break.
Cung thủ Việt Nam đã giành chiến thắng ở loạt bắn thứ nhất và thứ 3 với tổng điểm đạt được sau 3 lần bắn lần lượt là 28 và 26 điểm. Ở lượt bắn thứ 5, mặc dù giành được hai điểm 10, song cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã không thể chiến thắng khi chỉ có được 5 điểm ở lần bắn trước đó.
Với việc cùng có được 5 điểm, hai cung thủ bước vào lượt bắn tie - break quyết định và cung thủ Nhật Bản đã giành chiến thắng chung cuộc khi có được 8 điểm, trong khi vận động viên Việt Nam chỉ giành điểm 7 đầy đáng tiếc.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh, dẫu buồn nhưng cũng khó thể trách được các VĐV như Duyên hay Hoàng Xuân Vinh, bởi họ đã thi đấu hết mình nhưng rồi đành bất lực. Suốt gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch tập luyện, thi đấu. Khó có đô cử nào có thể thành công khi quãng thời gian tập huấn bị ngắt quãng tới 49 ngày như Duyên và các đồng đội ở đội tuyển cử tạ.
Ông Minh lí giải thêm, trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay thì mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho người dân trong đó có các VĐV. Vì thế các VĐV khi đi thi đấu về phải cách ly theo quy định để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cả cộng đồng. Thế nhưng với chu trình huấn luyện đỉnh cao, việc phải tập luyện phập phù do dịch bệnh rồi tâm lý thấp thỏm không biết mình có đi dự Olympic được không, đã làm khó cho các tuyển thủ quốc gia nói chung trong đó có các VĐV cử tạ nói riêng tập trung 100% vào tập luyện, duy trì được phong độ và thể lực cho các cuộc đấu có tầm cỡ và quy mô như ở Olympic này.
“Quy luật của thể thao thành tích cao là tập luyện phải có hệ thống và phải được thi đấu để rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên chu trình này không đảm bảo. Vì thế thành tích và phong độ của các VĐV khó mà duy trì được. Đã thế khi các đoàn tới làng VĐV, họ đều phải kiểm tra sức khỏe, cách ly, ở biệt lập, không giao tiếp với người ngoài. Khi sinh hoạt hay thi đấu, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Nếu có trường hợp dương tính, thì tình hình sẽ ra sao, không ai có thể trả lời được. Trong những điều kiện khó khăn như thế, việc các VĐV giành huy chương là điều tuyệt vời. Còn nếu họ không giành huy chương cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta nên chia sẻ và cảm thông chứ không nên trách móc”, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TDTT chia sẻ.