100 năm trước và những dấu ấn đặc biệt của Bác Hồ
Đời sống 09/02/2021 08:00
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. |
Đặc biệt, trên Tạp chí Cộng sản, tạp chí có uy tín thời ấy ở Pháp, có đăng bài của Người trong mục: Phong trào Cộng sản quốc tế. Tạp chí số 14 và 15 ra ngày 14/4 và ngày 15/5/1921, đăng 2 bài báo của Người đều với tiêu đề “Đông Dương”... Mở đầu bài thứ nhất, Người phê bình một số Đảng Cộng sản chưa quan tâm đến vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa:“Mặc dầu Quốc tế Cộng sản đã đặt vấn đề thuộc địa xứng đáng với tầm quan trọng của nó,... trên thực tế, các chi bộ ở các cường quốc thực dân vẫn chưa quan tâm đến vấn đề đó”. Tiếp đó, Người tố cáo sự áp bức bóc lột, sự đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện của đế quốc Pháp đối với Nhân dân Đông Dương. Đồng thời Người khẳng định:“Không! Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt ý thức của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho những người Đông Dương...”. Bài báo kết thúc với một ý mang tính tiên đoán, dự cảm tài tình: “Người Đông Dương che giấu một cái gì đang sôi sục, đang gầm thét và khi thời cơ đến, nó sẽ bùng nổ mãnh liệt... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất: Chủ nghĩa xã hội chỉ việc gieo hạt giống”. Ở bài báo thứ hai, Người nêu: “Chế độ Cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không... Trả lời câu hỏi đó, chúng ta có thể khẳng định rằng có (...) Do lịch sử cho phép, chủ nghĩa Cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á hơn là châu Âu”. Và “Ngày mà hàng trăm triệu Nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ...”. Tháng 10/1921, Người có bài:“Sự quái đản của nền văn minh” và bài: “Hãy yêu mến nước Pháp đang bảo vệ các người” đăng trên tờ Le Libertaire. Cả hai bài đều viết vừa mỉa mai, vừa nhạo báng: “Chỉ có nước Đức man rợ là đế quốc và quân phiệt. Còn nước Pháp-cái nước yêu hòa bình, nhân đạo, cộng hòa và dân chủ này, ... chẳng hề đế quốc lẫn quân phiệt. Ôi! đâu phải như vậy...”; rằng:“Ở Đông Dương những trường học hiếm có tới mức phải hơn một trăm quán rượu và thuốc phiện mới có một trường học”. Do đó, số tiền họ kiếm được từ việc bán các loại thuốc độc đó nhiều gấp hàng trăm lần số tiền họ chi cho giáo dục trong một năm.
Nguyễn Ái Quốc và Báo Le Paria - Người cùng khổ. |
Đặc biệt, vào tháng 10/1921, sau hơn 10 năm (1911-1921) đi tìm hình của nước, đã đưa Người đến với Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người nhận ra được tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn to lớn trong việc tập hợp các dân tộc thuộc địa trong một liên minh để cùng nhau chống lại chủ nghĩa đế quốc thực dân, nên Người và một số người bạn yêu nước khác đã sáng lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ, với mục đích hướng tới là giải phóng những dân tộc thuộc địa. Hội tập hợp được gần 100 hội viên là những người yêu nước của các thuộc địa đang sống trên đất Pháp. Khi phát triển đông hơn, Hội chia thành tiểu tổ như: Tiểu tổ Bắc Phi, tiểu tổ Đông Dương, tiểu tổ Ma-đa-gát-xca, tiểu tổ các thuộc địa cũ và các dân tộc da đen. Ban Chấp hành đầu tiên của Hội gồm có: Nguyễn Ái Quốc, thợ ảnh (Đông Dương); Bác-kít-xô, luật sư (Đảo Rê-uy-ni-ôn); Mác Cô-lanh-vin-lơ Bơ-lông-cua, luật sư (Đảo Đa-hô-mây); Giăng Báp-ti-xtơ, thương gia (Goa-đơ-lúp); Mô-rin-dơ, tiểu thương (Quần đảo Ăng-ti-ơ); Mô-néc-vin-lơ, đại diện hãng buôn (Mác-ti-ních) và Hô-nô-riên, đại diện thương mại (Guy-an-nơ). Tổng Thư kí đầu tiên của Hội là Mô-néc-vin-lơ về sau là Mác Cô-lanh-vin-lơ Bơ-lông-cua. Trong thời gian ở Pháp, Bác giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và hoạt động của Hội. Để đạt được mục đích của mình, Hội nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh”. Về biện pháp hoạt động: “Hội quyết định đưa ra trước dư luận bằng báo chí, ngôn luận (tổ chức nói chuyện, mít tinh...) và dùng tất cả các phương tiện có thể dùng được”. Hội ra Tuyên ngôn nêu rõ: Hội là tập hợp mọi người dân thuộc địa cư trú trên đất Pháp, nhằm tố cáo trước dư luận những tội ác của chủ nghĩa thực dân, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân các thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Tuyên ngôn của Hội kêu gọi: “Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi... Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, lợi ích của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời hiệu triệu của Các Mác: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Sự ra đời của Hội Liên hiệp thuộc địa là một sự kiện chính trị rất quan trọng đối với các dân tộc bị áp bức. Hội Liên hiệp thuộc địa tuy tồn tại 5 năm (1921-1926), nhưng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng tình đoàn kết chiến đấu giữa Nhân dân các nước thuộc địa Pháp với giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Pháp. Thông qua những hoạt động của Hội, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá đến các thuộc địa.
Từ ngày 25 đến 30/12/1921, tại TP Mác-xây, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp. Tại phiên họp ngày 29/12, Người được cử tham gia Đoàn Chủ tịch. Phiên họp ngày 30/12, Người yêu cầu Đại hội nghiên cứu xây dựng chính sách đối với thuộc địa và thành lập Ban nghiên cứu các vấn đề thuộc địa của Đảng. Đầu năm 1922, cơ quan này được thành lập và Người là Ủy viên. Điều này chứng tỏ được vai trò và uy tín nổi bật của Người.
Có thể nói, với độ lùi của 100 năm, nhưng vẫn còn đó trong ta hình ảnh một thanh niên Việt Nam, sống, làm việc và hoạt động trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và sự giám sát, theo dõi chặt chẽ, gắt gao của thực dân Pháp. Thế nhưng biết vượt lên tất cả, với ý thức tự rèn luyện tư tưởng, mài sắc ý chí, thể nghiệm tình cảm, xác lập quan điểm để định hình cho mình được một nhân cách vững vàng, hoàn chỉnh của một người yêu nước mới mang tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1921 ấy, sẽ mãi là cái mốc quan trọng về sự chuyển biến tư tưởng và hành động của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học.