Y đức - Câu trả lời cho ngành y tế
Trong mắt người già 07/06/2022 09:21
Tuy nhiên, chỉ cách đây mấy ngày, cũng trong kì họp này, khi thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái là một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Không hiểu lí do vì sao?”.
Như vậy về thể chế và pháp luật là không “vướng” và để giải đáp câu hỏi “Vì sao lại thế?” thì dường như chưa có câu trả lời xác đáng.
Y đức đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y dược |
Thực ra, câu trả lời này không khó. Nó nằm trong tâm thức của mỗi cán bộ, nhân viên ngành y và được giáo dục ngay từ khi mới bước vào nghề. Đó là “Lời thề Hipocrates”, hay gần gũi, dễ hiểu hơn là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như người mẹ hiền” và 12 điều Quy định về Y đức của ngành y Việt Nam. Nếu người thầy thuốc ở cương vị nào cũng thực hiện nghiêm những điều trên, thì các vướng mắc của ngành y sẽ được giải quyết.
Người dân và người bệnh vẫn mặc định rằng “đi chữa bệnh hay mua thuốc thì không mặc cả”. Họ tin thầy thuốc hơn cả người thân, thầy thuốc bảo gì cũng nghe, giá khám, chữa bệnh, tiền thuốc cao bao nhiêu cũng đáp ứng, trừ khi không còn khả năng kinh tế. Như vậy, về đối tượng phục vụ, ngành y có được niềm tin, sự chấp hành tuyệt đối của người dân, chứ không như nhiều ngành nghề khác phải tuyên truyền vận động “đến gẫy lưỡi” để có sự đồng thuận.
Về đời sống của cán bộ, nhân viên ngành y, nếu nói còn khó khăn thì cần so sánh với nhiều ngành nghề khác. Hãy vào một số bệnh viện cấp tỉnh trở lên, đếm số ô tô riêng của cán bộ, bác sĩ sẽ thấy đời sống của họ thế nào? Bộ Y tế hãy thống kê có bao nhiêu bác sĩ lập phòng khám tư, bao nhiêu dược sĩ mở quầy bán thuốc, thì thấy họ gắn bó với sự nghiệp của ngành y ra sao? Đó là chưa kể đến những tiêu cực trong bệnh viện, trong đấu thầu mua bán thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh mà pháp luật đã sờ đến.
Việc nhiều cán bộ ngành y vừa qua vướng vòng lao lí là kết cục tất yếu của việc sa sút y đức nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bởi một khi y đức xuống cấp, thầy thuốc không còn là mẹ hiền, thì chắc chắn “đụng đâu cũng vướng”, đụng ai cũng dính, chứ không hẳn do “hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.
Để ngành y không vướng, xin được trích câu kết trong nguyên bản Lời thề Hipocrates: “Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi. Nếu tôi đi trái đường và vi phạm lời thề, những điều ngược lại sẽ đến với tôi”.