Xung đột Nga - Ukraine: Đề xuất hòa bình để ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện
Quốc tế 05/10/2023 10:49
Ông Schulenburg cho rằng, đề xuất hòa bình này được đưa ra vào thời điểm cực kì quan trọng. Với khả năng cuộc phản công của Ukraine rơi vào bế tắc và các lực lượng của họ có thể suy yếu, NATO sẽ phải đối mặt với quyết định trong vài tháng tới, thậm chí trong vài tuần tới, là leo thang hơn nữa trong cuộc đối đầu với Nga hay chọn con đường đàm phán. Tuy nhiên, quyết định tiếp tục leo thang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn là cuộc xung đột có thể phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga…
Liên minh châu Phi, Trung Quốc, Brazil, Mexico và Indonesia đã đưa ra các đề xuất hòa bình, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng công bố các sáng kiến của riêng mình. Tuy nhiên, EU, nơi đáng lẽ phải quan tâm nhất đến hòa bình ở châu Âu vẫn chưa đề xuất cách kết thúc cuộc giao tranh ở Ukraine thông qua một giải pháp chính trị. Nói đúng hơn, ngoại trừ đề xuất đàm phán hòa bình của cựu Thủ tướng Italy Draghi một năm trước, không quốc gia thành viên EU nào đưa ra bất kì sáng kiến hòa bình nào, trong đó có cả chính phủ Đức…
Cuộc xung đột ở Ukraine leo thang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn là phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga |
Đề xuất hòa bình chi tiết phá vỡ niềm tin rằng, chiến thắng quân sự có thể mang lại hòa bình và ngược lại, vạch ra những cách để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc chiến này thông qua đàm phán chính trị. Trong bầu không khí "hiếu chiến" đang thịnh hành trong nền chính trị, truyền thông và các tổ chức nghiên cứu ở châu Âu cần sự dũng cảm đáng kể với những người khởi xướng để đứng lên vì hòa bình.
Giờ đây, cuộc giao tranh Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn có sức tàn phá nặng nề, không còn bên nào được coi chiến thắng nữa, vì vậy đề xuất của Đức đã đưa ra lời kêu gọi đối với tất cả các bên liên quan rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho hòa bình đang càng trở nên cấp thiết hơn.
Do đó, những người khởi xướng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức dọc theo các chiến tuyến hiện tại và đồng thời tiến hành các cuộc hòa đàm để ngăn chặn việc "đóng băng" lệnh ngừng bắn cũng như toàn bộ cuộc xung đột. Để tránh bất kì sự chậm trễ nào do căng thẳng chính trị, các cuộc đàm phán hòa bình này sẽ đi thẳng vào các vấn đề gây tranh cãi cốt lõi của cuộc xung đột: Một Ukraine trung lập, bảo đảm an ninh cho Ukraine, tình trạng tương lai của các khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhya và Kherson cũng như Crimea.
Đối với mỗi vấn đề gây tranh cãi này, họ phác thảo các giải pháp khả thi dựa trên kết quả của cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine vào tháng 3/2022 và lập trường đàm phán của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Istanbul vào ngày 29/3/2022.
Đề xuất hòa bình của những người Đức đặc biệt bổ sung cho các đề xuất hòa bình đã được các quốc gia hoặc tổ chức khu vực bên ngoài châu Âu đưa ra. Trên cơ sở đó, đề xuất giả định rằng các lợi ích an ninh của Nga, như được nêu trong lá thư của Moskva gửi NATO và Mỹ ngày 17/12/2021 cần được xem xét. Trái ngược với quan điểm phổ biến ở EU, những người khởi xướng đề xuất hòa bình của Đức chia sẻ đánh giá của các nước ngoài phương Tây rằng, Tổng thống Nga Putin đã sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng điều này chưa có nghĩa là các quan điểm đàm phán đã hội tụ.
Trên thực tế, đề xuất hòa bình của Đức phụ thuộc rất nhiều vào vai trò quyết định của LHQ trong việc thực hiện. Theo đề xuất, khuôn khổ cho một lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ được quyết định tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong khi việc giám sát việc phi quân sự hóa các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát và việc phân chia lực lượng quân sự dọc theo ranh giới ngừng bắn sẽ được thực hiện và bảo đảm bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ…