Xử phạt nồng độ cồn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông
Đời sống 18/04/2024 08:30
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số người dân rất đồng tình, ủng hộ nội dung của Nghị định 100/2019 và Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Theo mọi người, việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, những vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian qua đa phần đều liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Nhiều người còn cho rằng, để giải quyết triệt gốc vấn đề, bên cạnh việc cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông thì cũng cần phải hạn chế sản xuất, mua bán rượu, bia ở mức thấp nhất. Bởi rượu, bia không chỉ gây ra hậu quả khôn lường trong các vụ TNGT, mà còn là nguyên nhân sâu xa gây ra các vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình, gây mất an ninh trật tự xã hội. Nhiều người cho rằng, chế tài xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe khoảng 2 năm cần thực hiện kiên quyết, lâu dài, tránh trường hợp vị nể hay quen biết. Lực lượng chức năng cũng cần quyết liệt trong quá trình triển khai luật này giống như chúng ta đã từng triển khai rất tốt quy định về việc đội mũ bảo hiểm.
Xử phạt nồng độ cồn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông |
Theo anh Nguyễn Minh P. (công chức trên địa bàn Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Nếu triển khai tốt và quyết liệt luật này sẽ giảm thiểu các vụ TNGT đau thương, gây mất mát cho mỗi gia đình. “Mong rằng mọi người khi đã uống rượu, bia thì không nên tham gia giao thông. Cách tốt nhất là chúng ta nhờ sự trợ giúp người thân hoặc di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe bus...”, anh P nói.
Dạo quanh các quán vào những ngày cuối năm, cuối tuần, chúng tôi nhận thấy số lượng khách ở các quán có sử dụng rượu, bia tương đối vắng so với trước. Nhiều chủ quán chia sẻ, sau khi luật có hiệu lực, khách vắng so với trước khá nhiều, nhiều quán bị giảm doanh thu. Qua tiếp xúc với một số chủ quán cho biết, so với trước đây doanh thu có giảm. Tuy nhiên , họ vẫn đồng tình, ủng hộ Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, đặc biệt là khi tham gia giao thông. Với mong muốn bảo đảm an toàn cho khách, một số chủ quán bàn tính đến chuyện triển khai dịch vụ chở khách về nhà sau khi đã uống rượu, bia.
Hiện ý thức tham gia giao thông của một bộ phận vẫn còn chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lí. Để luật và nghị định đi vào thực tiễn, có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông, làm thay đổi ý thức hành vi, nhận thức, thói quen sử dụng rượu, bia tràn lan, điều cần khẳng định đầu tiên là phải thống nhất rằng chủ trương “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” là cần thiết, tạo thành nếp hành xử đúng đắn với mọi công dân khi có những việc liên quan đến sử dụng rượu, bia.
TNGT là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Để kéo giảm TNGT, mang lại bình yên cho xã hội và hạnh phúc của mọi nhà, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát, xử lí đến giải quyết những hạn chế của hệ thống hạ tầng giao thông. Quan trọng hơn cả, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng khi tham gia giao thông; mọi người cần hiểu đúng về quy định “nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hơi thở có nồng độ cồn” trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định.