Xôn xao tuyển dụng tại Sở TN&MT Thanh Hóa: Căn cứ vào đâu để hủy kết quả thi?
Phóng sự 01/08/2020 07:57
Gần 300 người trúng tuyển vào làm việc tại Văn phòng Đăng ký Đất đai (ĐKĐĐ), thuộc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa rất lo lắng và cảm thấy bất an, sau khi ông Nguyễn Văn Linh, Chánh Văn phòng phát ngôn trên truyền thông, cùng với đề xuất “không công nhận kết quả tuyển dụng…”. Sự việc đã khiến cho dư luận bức xúc, vì cách làm “không giống ai” của cơ quan công quyền tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều thí sinh cho biết, kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển (vòng 2) vào ngày 21/1/2020 từ cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT, nhưng cho đến nay vẫn không nhận được văn bản công nhận kết quả trúng tuyển là trái với quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP về thời hạn kết quả tuyển dụng công chức, viên chức…
Việc chậm trễ một cách “bất thường” này đã gây ra tâm lý hoang mang cho thí sinh và gia đình, khi phải ngày đêm thấp thỏm chờ đợi và cuối cùng nhận lại thông tin đầy “thất vọng” từ ông Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Thanh Hóa, đề xuất hủy kết quả trúng tuyển.
Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa từng đề nghị công nhận kết quả trúng tuyển viên chức làm việc tại Văn phòng ĐKĐĐ thuộc Sở TN&MT, nhưng dau đó lại đề nghị hủy kết quả trúng tuyển khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ. |
Trong đơn thư cầu cứu tới cơ quan chức năng, nhiều thí sinh đã “hé lộ” nguyên nhân của sự chậm trễ phê duyệt kết quả trúng tuyển là do có một số con em, người thân của các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện đã tham dự tuyển dụng nhưng không trúng tuyển, vì không đáp ứng được yều cầu về chuyên môn. Do đó, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức tìm ra mọi lý do, tính toán các phương án nhằm mục đích hủy bỏ kết quả tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Văn phòng ĐKĐĐ năm 2019. Qua đó tổ chức tuyển dụng lại hoặc tuyển dụng lại theo hình thức ưu tiên đối với các đối tượng đang làm việc lâu năm tại các Văn phòng ĐKĐĐ cấp tỉnh và cấp huyện.
Nếu việc xét tuyển theo diện “ưu tiên” thì phải thực hiện ngay từ đầu, chứ không thể sau khi thành lập ra Hội đồng thi tuyển với đầy đủ ban bệ, thành phần và được sự chấp thuận của chính Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng cuối cùng lại cho hủy kết quả một thi nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật là không thể chấp nhận được. Lỗi ở đây là của chính cơ quan công quyền Thanh Hóa chứ không phải của người dự tuyển – nhiều thí sinh cay đắng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, sau nhiều tháng ròng rã không tìm ra “sơ hở”, cuối cùng Đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ đã viện vào một lý do, đó là: “Chưa đúng quy trình, vì chưa bàn giao cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định và tài sản từ các văn phòng cấp huyện về Văn phòng ĐKĐĐ”. Qua đó, Đoàn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hủy kết quả cuộc thi một cách đầy “bất thường”?
Bởi theo quy định pháp luật về “quy chế, nội quy tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức” (ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cho thấy:
Tại điểm d, Khoản 1, Điều 2 về xử lý vi phạm đối với thí sinh như sau: “Hủy kết quả thi: Căn cứ vào báo cáo của Chủ tịch Hội đồng thi hoặc xét, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng…quyết định hủy bỏ kết quả thi đôi với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: có từ hai bài hoặc hai phần thi trở lên bị điểm 0 hoặc đạt 0% số câu trả lời đúng (trừ trường hợp bỏ thi); viết vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; đánh tráo bài thi hoặc thi hộ hoặc bị đình chỉ thi…”.
Tại Điều 4 về “Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia tổ chức thi và cá nhân khác liên quan vi phạm nội quy quy chế thi” nêu rõ về quy định việc xử lý trách nhiệm cá nhân nếu sai phạm, không quy định việc hủy kết quả của cả một cuộc thi.
Qua nghiên cứu Thông tư số 03/2019/TT-BNV, kèm theo quy chế, nội quy xét tuyển viên chức cho thấy rõ: không có quy định nào về hủy kết quả của một cuộc thi (xét tuyển). Như vậy, Sở Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào quy định pháp luật nào để hủy kết quả cuộc thi này? Trong khi cuộc thi này được tỉnh Thanh Hóa ban hành các quy chế, quy phạm để tiến hành thực hiện. Do đó việc hủy kết quả trúng tuyển gần 300 người cần phải dựa trên quy định của pháp luật. Phải chăng, trong vụ việc này tỉnh Thanh Hóa lại áp dụng theo kiểu “lệ làng”?
Với những “bất thường” của vụ việc nêu trên, đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ “có hay không sai phạm” trong việc hủy kết quả của gần 300 thí sinh đã bị tỉnh Thanh Hóa hủy kết quả trúng tuyển một cách đầy oan ức?