Xâm thực
Trong mắt người già 15/09/2020 09:51
Có một thứ xâm thực vô cùng nguy hiểm, đó là văn hóa. Ta biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội nói chung, nó cũng là nền tảng của một dân tộc, nếu mất đi dân tộc không còn.
Đất nước ta từng nghìn năm bị sống trong đô hộ. Lịch sử 4.000 năm với bao thành quả văn hóa vât thể như thành quách, văn tự… của các thế hệ cha ông hầu như bị tiêu hủy vì âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Thế nhưng người Việt vẫn không thể bị đồng hóa, văn hóa Việt vẫn trường tồn qua bao thế hệ trong chính nếp sống, nếp nghĩ và đời sống văn hóa dân gian lưu truyền với nhiều nét đặc sắc riêng có.
Ảnh minh họa |
Không phủ nhận, nền văn hóa Việt chịu ảnh hưởng văn hóa nho giáo Trung Hoa. Tuy nhiên cha ông ta đã tiếp nhận văn hóa một cách chọn lọc những cái hay, nét đẹp và Việt hóa chứ không bị đồng hóa. Một công cụ tiếp cận văn minh quan trọng nhất là chữ viết cũng được chuyển hóa thành của riêng (chữ nho chuyển thành chữ Nôm). Truyện Kiều rõ ràng là điển tích phương Bắc nhưng qua lăng kính và tư duy đại thi hào Nguyễn Du, chẳng ai dám bảo tác phẩm Truyện Kiều là của Trung Quốc. Đạo trung quân ái quốc (trung thành với vua là yêu nước) trong phong kiến nho giáo Trung Hoa được Bác Hồ chuyển hóa thành phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân” của lực lượng vũ trang ngày nay…
Sự giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cha ông ta từng làm không phải là sự bắt chước, là bê nguyên xi cái của người khác mà kế thừa có phát triển, sáng tạo. Vì vậy những thứ a dua, học đòi văn hóa ngoại lai luôn bị cộng đồng nhận diện, tẩy chay. Mấy năm trước Vĩnh Phúc bỏ hàng trăm tỉ xây dựng khu văn miếu thờ Khổng Tử đã gây nhiều tranh cãi. Hay một doanh nghiệp ở Sóc Trăng từng có ý định và xin phép tỉnh cho dựng thờ tượng Quan Công, một nhân vật hư cấu trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” cũng bị dư luận phản ứng gay gắt. Mấy ngày qua, việc một doanh nghiệp du lịch ở Lâm Đồng định xây dựng khu quần thể có những tượng binh thời cổ trong khuôn viên tường bao tựa Vạn Lý Trường Thành liền bị dư luận phát giác. Nhiều người chỉ thẳng rằng, nó giống khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng đội quân đất nung…
Nhận rõ vị trí hết sức quan trọng của văn hóa, từ rất sớm Đảng ta đã có định hướng từ khi chưa có chính quyền trong tay, đó là Đề cương văn hóa năm 1943. Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa để nó “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Để thực hiện được định hướng đó cần sự góp sức của toàn dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc cảnh giác trước những ý đồ xâm thực văn hóa.