Vụ tranh chấp giữa VAMC và HTX Dệt thủ công Quyết Tiến Silk: Chi cục THADS huyện Phú Xuyên bị tố tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản trái pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 17/03/2020 13:15
Cả hai cấp Tòa đều phiến diện, thiếu khách quan
Cần phải nhắc lại vụ án, số là do khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh, Quyết Tiến Silk kí hợp đồng vay Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) một khoản tiền, với tài sản bảo đảm là nhà, đất tại số 16B ngách 74, ngõ Thịnh Hào 1, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội, do bà Trịnh Thị Nha, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX và ông Đoàn Hữu Thái, chồng bà Nha là chủ sở hữu; cùng máy móc, thiết bị và toàn bộ kho hàng tại thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Đến thời điểm VAMC khởi kiện, Quyết Tiến Silk còn nợ VAMC tổng cộng 245.936 USD. Quyết Tiến Silk thừa nhận khoản nợ, nhưng xin được trả dần, với lí do kinh doanh khó khăn.
Ngoài ra, Quyết Tiến Silk còn kí các hợp đồng: Hợp tác kinh doanh, Ủy quyền và Thế chấp tài sản với Công ty CP Bất động sản Ngọc Lan (Công ty Ngọc Lan). Thế nhưng, Công ty Ngọc Lan không thực hiện cam kết trong các hợp đồng, đặc biệt đơn phương sử dụng nhà xưởng mà không trả nợ ngân hàng thay Quyết Tiến Silk như cam kết, không trả lương cho Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các xã viên Quyết Tiến Silk trong thời gian hơn 7 năm. Trong đó, không thực hiện hết các khoản cam kết cho Quyết Tiến Silk vay, gồm 28 tỉ đồng và 378.000 USD, mà mới chỉ giải ngân cho Quyết Tiến Silk 8.716.447.000 đồng. Song, tại các phiên tòa, Công ty Ngọc Lan vẫn yêu cầu Quyết Tiến Silk trả cho mình 28.898.665.890 đồng, tiếp tục được quản lí tài sản thế chấp của Quyết Tiến Silk tại thông Đồng Tiến (nhà xưởng của Quyết Tiến Silk).
Trong quá trình giải quyết vụ án, cả 2 cấp Tòa đều không yêu cầu Công ty Ngọc Lan phải đưa ra các căn cứ, để chứng minh đã chuyển số tiền 20 tỉ đồng cho Quyết Tiến Silk, mặc dù Quyết Tiến Silk nhiều lần yêu cầu. Như vậy, cả 2 cấp Tòa đã nhận định phiến diện, thiếu khách quan, không xem xét kĩ các chứng cứ mà Quyết Tiến Silk giao nộp; không thực hiện yêu cầu Công ty Ngọc Lan phải chứng minh việc chuyển tiền, là sai sót rất lớn. Mặc dù Công ty Ngọc Lan là bên có yêu cầu, song cũng chỉ đưa ra được Giấy nhận nợ số 01, không hề chứng minh được có việc chuyển tiền trên thực tế. Việc 2 cấp Tòa tuyên Quyết Tiến Silk phải trả khoản “nợ khống” rất lớn như vậy, là vô cùng oan ức cho Quyết Tiến Silk.
Một phần máy móc, trang thiết bị của Quyết Tiến Silk hiện do Công ty Ngọc Lan quản lí, sử dụng |
Bản án phúc thẩm số 66/2019/KDTM-PT ngày 24/6/2019 của TAND TP Hà Nội tuyên: Ngoài số tiền phải trả nợ ngân hàng, Quyết Tiến Silk phải trả cho Công ty Ngọc Lan 28.716.447.000 đồng, trong đó có 20 tỉ đồng là tiền khống chỉ thể hiện tại Giấy nhận nợ số 01. Toàn bộ tài sản bao gồm: nhà xưởng, nhà kho, máy móc, thiết bị… tại thửa đất 1.684m2 mà HTX Quyết Tiến đã thế chấp cho VPBank và Công ty Ngọc Lan theo các hợp đồng thế chấp và thế chấp bổ sung được kí giữa 3 bên, hiện vẫn do Công ty Ngọc Lan quản lí, khai thác từ ngày 2/5/2012 đến nay, được Tòa giao cho Công ty Ngọc Lan tiếp tục quản lí, sử dụng, khai thác. Điều này gây ra những tổn thất rất lớn cho Quyết Tiến Silk nói chung, gia đình bà Nha nói riêng, vì đây là nguồn sống chính của của toàn thể xã viên Quyết Tiến Silk. Suốt nhiều năm qua bị Công ty Ngọc Lan chiếm giữ, không có nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng… Trong khi Công ty Ngọc Lan vẫn ngang nhiên làm giàu trên nguồn kiếm sống của Quyết Tiến Silk, mà không phải chi trả bất cứ chi phí hay chia sẻ đồng lợi tức nào.
Cưỡng chế kê biên tài sản trái pháp luật
Bà Nha, đại diện cho toàn thể xã viên Quyết Tiến Silk, kí đơn khiếu nại đề nghị Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án số 66/2019/KDTM-PT của TAND TP Hà Nội. Đồng thời có nhiều đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại việc xét xử của 2 cấp Tòa của TP Hà Nội. Trong khi các cơ quan chức năng đang xem xét, ngày 10/3/2020, chấp hành viên Nguyễn Văn Đạt, thuộc Chi cục THADS huyện Phú Xuyên tổ chức buổi cưỡng chế kê biên tài sản của Quyết Tiến Silk, mà thành phần tham gia không tuân thủ quy định của pháp luật.
Bà Trịnh Thị Nha, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quyết Tiến Silk yêu cầu chấp hành viên Nguyễn Văn Đạt giới thiệu thành phần tham gia cuộc cưỡng chế |
Đơn tố cáo gửi lãnh đạo các cơ quan chức năng của Quyết Tiến Silk viết (trích): “Tuy nhiên, cả 2 bản án này đều có nhiều sai phạm và nội dung trái quy định của pháp luật, tuyên buộc HTX Quyết Tiến phải tiền cho nguyên đơn, trả cho Công ty Ngọc Lan khoản nợ khống với số tiền rất lớn, đồng thời còn giao toàn bộ tài sản mà HTX Quyết Tiến đã thế chấp tại ngân hàng cho Công ty Ngọc Lan quản lí, khiến HTX Quyết Tiến mất khả năng trả nợ. Trong khi cả 2 cấp tòa đều không làm rõ khoản nợ khống giữa HTX Quyết Tiến với Công ty Ngọc Lan, sự thỏa thuận của Ngân hàng với HTX Quyết Tiến tại thời điểm thế chấp hay nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty Ngọc Lan phải thực hiện với khoản vay của HTX Quyết Tiến khi thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh…
Khi các cá nhân có thẩm quyền đang xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực, thì ngày 23/10/2019 Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Xuyên lại ra Quyết định thi hành án số 33/QĐ-CCTHADS. Thấy vậy, chúng tôi đã làm đơn và gửi đến các cấp, đề nghị hoãn thi hành án để xem xét toàn bộ vụ việc một các khách quan, tránh gây hậu quả không thể khắc phục được, bảo đảm quyền lợi cho HTX Quyết Tiến. Mặc dù Tổng cục THADS có Văn bản số 35/PC-TCTHADS ngày 9/1/2020, chuyển đơn của Quyết Tiến đến Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, để xem xét giải quyết theo thẩm quyền, nhưng Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Xuyên lại cố tình không giải quyết đơn của chúng tôi, vẫn ra Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với HTX Quyết Tiến.
Đông đảo xã viên Quyết Tiến Silk phản đối cuộc cưỡng chế, do thực hiện không đúng quy định của pháp luật |
Mặt khác, tại buổi cưỡng chế ngày 10/3, chấp hành viên Nguyễn Văn Đạt đã tổ chức thực hiện trái quy định của pháp luật, với thành phần không tuân theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012, quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS, theo đó thành phần phải có: Chi cục THADS huyện; Viện KSND, Công an, Phòng Tư pháp, Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên; UBND, Công an xã Phượng Dực…
Vì vậy, bằng đơn này, chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị Quý ông/bà, Quý Cơ quan nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra và làm rõ các sai phạm của Chi cục THADS huyện Phú Xuyên và chấp hành viên Nguyễn Văn Đạt, mà chúng tôi đã nêu ở trên, để xử lí theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho HTX Quyết Tiến. Đồng thời, kính đề nghị chỉ đạo Chi cục THADS huyện Phú Xuyên hoãn thi hành án, cho đến khi có văn bản về việc kháng nghị bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tránh gây hậu quả không thể khắc phục được” (hết trích).
Ghi nhận tại hiện trường sáng 10/3/2020, thành phần đoàn cưỡng chế kê biên tài sản của Quyết Tiến Silk thiếu rất nhiều. Ngoài chấp hành viên Nguyễn Văn Đạt, có vị đại diện Viện KSND huyện, thiếu các thành phần chủ chốt theo quy định. Đặc biệt, phía UBND xã Phượng Dực chỉ có một cán bộ tư pháp. Các thành phần có mặt cũng không xuất trình được những giấy tờ liên quan. Đông đảo xã viên Quyết Tiến Silk có mặt phản đối cuộc cưỡng chế. Cuộc cưỡng chế kê biên tài sản không thành, do thực hiện trái quy định của pháp luật, phía phải thi hành án là Quyết Tiến Silk không tham gia kí biên bản.
Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét thấu đáo vụ việc, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.