Vụ cựu Bí thư Thị xã Bến Cát (Bình Dương): Có dấu hiệu của oan sai?
Pháp luật - Bạn đọc 17/05/2020 10:19
Ngày 20/5/2020, tới đây, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát (sau phiên toà sơ thẩm lần 1 bị trả hồ sơ vì chưa đủ chứng cứ kết tội).
Có “hình sự hóa” quan hệ dân sự?
Vụ án được tóm tắt như sau:
Từ năm 2012-2015, do có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Bến Cát, khu vực gần với gia đình bên ngoại để tiện coi sóc. Vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh (Bí thư TX Bến Cát) và bà Huỳnh Thị Phương Anh (Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1) đã bán khu đất trồng cao su ở huyện Dầu Tiếng và vay mượn hai bên gia đình nội ngoại tìm mua đất ở khu vực Ấp Lồ Ô, xã An Tây, huyện Bến Cát (nay là thị xã Bến Cát) để canh tác, trồng cao su.
Thông qua người môi giới, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh đã trực tiếp gặp bà Hồ Thị Hiệp - chủ sử dụng đất và cũng là người được con gái có tên Nguyễn Hiệp Hảo (đang định cư bên Mỹ) ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Hiệp Hảo. Sau khi thống nhất giá cả, phương thức thanh toán, hai bên đồng ý chuyển nhượng đất nông nghiệp trồng cao su với giá từ 650 triệu đến 700 triệu đồng/ha với điều kiện phải được sự đồng ý của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Tây Sài Gòn (Ngân hàng). Vì các quyền sử dụng đất nói trên là tài sản mà bà Hồ Thị Hiệp thế chấp vay tại Ngân hàng.
Cáo trạng và bản luận tội vụ mua bán dân sự giữa vợ chồng ông Khanh với bà Hiệp có bị "hình sự hóa"? |
Việc mua bán này được sự đồng ý và cho phép của Ngân hàng, vì bà Hiệp bán tài sản thế chấp là để trả nợ.
Sau khi có xác nhận của Ngân hàng về việc đồng ý cho bà Hiệp tiến hành các thủ tục chuyển nhượng. Việc mua bán diễn ra êm xuôi và đúng theo các quy định của pháp luật. Qua 5 lần nhận chuyển nhượng QSDĐ từ năm 2012 – 2015, gia đình bà Phương Anh nhận chuyển nhượng từ bà Hồ Thị Hiệp và Nguyễn Hiệp Hảo tổng điện tích là 166.442,2m2 và được UBND TX Bến Cát cấp quyền sử dụng đất đứng tên bà Huỳnh Thị Phương Anh sau khi các bên hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí cho Nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2016 (sau khi bà Hồ Thị Hiệp qua đời), con trai bà Hiệp là ông Nguyễn Hiệp Hòa có đơn tố cáo ông Nguyễn Hồng Khanh câu kết với nhân viên Ngân hàng để được mua toàn bộ tài sản thế chấp của bà Hiệp, bà Hảo với giá rẻ. Qua đó, Cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương đã tiến hành khởi tố, bắt giam và truy tố ông Khanh về tội: “Vi phạm các quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” với vai trò đồng phạm với một số cán bộ Ngân hàng. Đồng thời, Cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh Bình Dương còn khởi tố, điều tra ông Khanh thêm tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn và tách vụ án để xử lý sau.
Đâu là tài sản của Nhà nước?
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – nơi bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tài sản để vay vốn được cổ phần hóa từ tháng 04/2012. Có nghĩa, BIDV từ thời điểm này không còn 100% vốn Nhà nước, mà có vốn góp của các tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, trong cáo trạng và bản luận tội quy kết tội danh cho ông Nguyễn Hồng Khanh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là một sự nhầm lẫn về mặt pháp lý. Việc không xác định, hiểu đúng về “tài sản Nhà nước” trong vụ án là sai lầm tương đối nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật, tại BIDV chỉ có duy nhất một loại tài sản được coi là tài sản của Nhà nước: Đó là phần vốn góp theo cổ phần của Nhà nước tại BIDV. Tại thời điểm xảy ra vụ án, căn cứ vào Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thì chỉ có 3.257.324.161 cổ phần, giá trị mệnh giá 32.573.241.610.000 đồng trong tổng vốn điều lệ của BIDV mới là tài sản của Nhà nước. Tại BIDV, Nhà nước chỉ là một cổ đông trong số nhiều cổ đông là tổ chức, cá nhân khác của Ngân hàng (Cổ đông Ngân hàng KEB Hana Bank, Co., Ltd chiếm 17,91 %; Cổ đông tư nhân khác chiếm 1,11%). Tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại BIDV chỉ là 3.257.324.161 cổ phần không hề bị tác động trong vụ án này.
Tại phiên toà sơ thẩm từ ngày 09-18/12/2019, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên toà cũng đã thừa nhận và cho rằng “do lỗi đánh máy”, Ngân hàng BIDV không phải là Ngân hàng Nhà nước mà là Ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm vốn góp của Nhà nước và cả tư nhân.
Như vậy, chỉ cần nhìn nhận vào chi tiết “thế nào là tài sản Nhà nước” và “lỗi đánh máy” đã cho thấy, vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh là có dấu hiệu “bất thường”.
Do đó, việc Kết luận điều tra, Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT và Cáo trạng, Cáo trạng bổ sung của Viện KSND tỉnh Bình Dương nhận định rằng, “phần tài sản Nhà nước bị thất thoát” là “phần vốn góp của Nhà nước tại Ngân hàng BIDV được lấy cho bà Hiệp vay” để quy kết tội danh này cho ông Nguyễn Hồng Khanh là hoàn toàn không có căn cứ bởi vì:
“Tiền mà Ngân hàng sử dụng để cho các tổ chức, cá nhân vay là tiền có nguồn gốc được huy động từ các tổ chức, cá nhân khác (Ngân hàng có chức năng kinh doanh tiền tệ) chứ không phải là tiền lấy ra từ phần vốn góp (cổ phần) của Nhà nước hoặc vốn điều lệ tại Ngân hàng BIDV.
Trường hợp tài sản của Nhà nước là phần vốn góp của Nhà nước tại Ngân hàng bị thất thoát khi cho vay thì phải điều tra, xử lý những cán bộ có liên quan đến việc cho vay, giải ngân chứ không phải các cán bộ đi xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ”.
Và tài sản nào thế chấp?
Trong vụ án này, còn có sự “nhầm lẫn” của Cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh Bình Dương về việc xác định “Tài sản thế chấp” của bà Hồ Thị Hiệp và bà Nguyễn Hiệp Hảo – tài sản cá nhân sang thành “tài sản của Nhà nước”. Về mặt pháp lý, tài sản thế chấp tại ngân hàng vẫn là tài sản của bà Hiệp, bà Hảo. Do đó không thể cho đây là tài sản của Ngân hàng BIDV hay tài sản của Nhà nước.
Đồng thời tài sản mà bà Hiệp, bà Hảo thế chấp tại ngân hàng để vay vốn đã được chấm dứt theo thỏa thuận giữa các bên mua – bán và đã được sự chấp thuận của cán bộ ngân hàng BIDV – Chi nhánh tây Sài Gòn, các tài sản này đã được giải chấp trước khi ông Nguyễn Hồng Khanh và bà Huỳnh Thị Phương Anh thực hiện việc nhận chuyển nhượng tại văn phòng công chứng và được đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Ngân hàng BIDV tham gia tố tụng cũng đã khẳng định: “GCNQSDĐ của bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại Ngân hàng không phải là tài sản của Ngân hàng” và “Tiền trả bán tài sản thế chấp được chuyển vào trong tài khoản của khách hàng thì số tiền đấy vẫn không phải là tài sản của ngân hàng”.
Như vậy, việc mua bán giữa bà Hiệp và vợ chồng ông Khanh diễn ra là đúng pháp luật và mang đúng bản chất là “quan hệ dân sự”. Còn việc bà Hiệp sau khi bán và được thanh toán tiền đầy đủ có thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng hay không lại là một câu chuyện khác – thu hồi nợ của Ngân hàng với khách hàng và hoàn toàn không liên quan đến vợ chồng ông Khanh.
Vì vậy, không có một căn cứ hay quy định nào của pháp luật để các Kết luận điều tra và Cáo trạng khẳng định tiền chuyển nhượng QSDĐ của bà Hồ Thị Hiệp là tài sản của Nhà nước.
Sau khi TAND tỉnh Bình Dương trả hồ sơ điều tra bổ sung, truy tố bổ sung, các cơ quan điều tra, truy tố vẫn không làm rõ được đâu là tài sản Nhà nước bị thất thoát trong vụ án này.
Quy kết “vô căn cứ” và có dấu hiệu oan sai?
Qua nghiên cứu vụ án, nhiều luật sư, luật gia đều cho rằng: Có nhiều điểm “bất thường” và quy kết vô căn cứ gây oan sai cho ông Nguyễn Hồng Khanh.
Vì trong vụ án này không có bất cứ tài sản nào của Nhà nước bị tác động, thất thoát; vụ án sẽ không có bị hại? Không có bất kỳ một chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nào bị xâm phạm trong vụ án thì không có đồng phạm, vì trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước (3.257.324.161 cổ phần tại BIDV) thuộc về người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV chứ không thuộc về các cá nhân bị truy tố trong vụ án này. Như vậy, không có bất kỳ bị cáo nào trong vụ án là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Phiên sơ thẩm (lần 1) phải hủy bỏ, do các chứng cứ không đủ kết tội ông Nguyễn Hồng Khanh |
Các quy định pháp luật trực tiếp - duy nhất, được sử dụng làm căn cứ kết luận vi phạm pháp luật trong vụ án đã không được diễn giải đúng pháp luật. Mặc dù Cơ quan CSĐT, Viện KSND tỉnh Bình Dương vẫn sử dụng Khoản 1, Điều 58, Nghị định 163 về Giao dịch bảo đảm làm căn cứ pháp lý duy nhất, trực tiếp nhất để quy buộc các bị cáo là cán bộ Ngân hàng qua đó buộc tội ông Nguyễn Hồng Khanh là đồng phạm. Nhưng cách diễn giải và lập luận này hoàn toàn không đúng pháp luật, không đúng với nghiệp vụ ngân hàng. Cho đến nay, quan điểm pháp lý này vẫn không hề thay đổi qua việc điều tra, truy tố bổ sung.
Ông Nguyễn Hồng Khanh không phải là đồng phạm giúp sức trong vụ án, không cấu thành đồng phạm theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan tố tụng cho rằng, việc ký hợp đồng “3 bên” giữa bà Hồ Thị Hiệp, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh và ngân hàng là có sự thỏa thuận, bàn bạc từ trước - là hoàn toàn mang tính suy diễn thiếu căn cứ, mang tính quy chụp. Vì tại phiên toà sơ thẩm lần 1, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên toà đã không dẫn chứng hay đưa ra bất kỳ bút lục nào để chứng minh.
Đồng thời, không có cơ sở để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tách một phần diện tích là 1.689,2m2 đất trong tổng diện tích đất của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp tại Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Tây Sài Gòn để buộc tội các bị can, trong đó có ông Nguyễn Hồng Khanh về “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra trước khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 2): Có hay không việc trù dập cán bộ (ông Nguyễn Hồng Khanh nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND, Bí thư TX Bến Cát)? Ông Nguyễn Hiệp Hòa tại sao lại xuất hiện (ngay sau khi mẹ mất) để làm đơn tố cáo ông Khanh chiếm đoạt tài sản? Tại sao không gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh hoặc Công an TP Hà Nội mà lại gửi đơn cho Công an tỉnh Bình Dương (BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn không nằm trên địa bàn Bình Dương, mà có trụ sở đóng tại TP Hồ Chí Minh - Hội sở chính tại Hà Nội)? Ông Nguyễn Hồng Khanh có “thực sự thành khẩn khai tội, ăn năn hối cải” như Kết luận điều tra và Cáo trạng đã nhận định hay chỉ là bịa đặt sai sự thật, vì từ khi bị bắt đến nay ông Khanh đều liên tục kêu oan?
Tại sao phiên tòa sơ thẩm (lần 1) bị hủy bỏ? Các Kết luận điều tra bổ sung, Cáo trạng bổ sung của Cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh Bình Dương thực hiện theo yêu cầu trả hồ sơ để điều tra của TAND tỉnh Bình Dương liệu có thay đổi được nội dung vụ án và có đủ thuyết phục để buộc tội ông Nguyễn Hồng Khanh? Con số thiệt hại trong vụ án có bị thổi phồng một cách vô lý, bởi việc định giá tài sản cao bất thường, không khách quan, không theo quy luật thị trường từng giai đoạn?
Ngày mới Online sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ án.