Vinh dự và trách nhiệm của nhà giáo
Trong mắt người già 15/11/2022 09:55
Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Từ xưa đã có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý. Trải qua nhiều thời kì của đất nước, nghề dạy học luôn được xã hội tôn trọng. Từ lâu, Nhân dân ta đã truyền tụng câu nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, và tục ngữ đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”… Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì thế vị trí của người thầy càng được tôn vinh.
Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, đạo lí và người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lí cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.
Truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc từ bao đời nay sẽ không thay đổi, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay, những yêu cầu của xã hội tăng lên rất nhiều, việc nhà giáo phải tự đổi mới mình là một yêu cầu thiết yếu. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có bản lĩnh, vừa giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề cao quý, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, về nghiệp vụ sư phạm sao cho phù hợp. Điều đó thể hiện ở hành vi, thái độ, lời nói, việc làm của nhà giáo đều là tấm gương phản ánh nhiều chiều nên chúng ta hiểu và cần phải tự trau dồi và nâng cao phẩm chất năng lực dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào để góp phần vào sự nghiệp “Trồng người”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò quan trọng vào sự thành công của việc đổi mới của ngành. Chúng ta đang sống, làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn, song cũng rất nhiều thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo như: vấn đề đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong hội nhập, đào tạo theo nhu cầu xã hội…
Hơn ai hết, với vai trò “rèn người”, những thầy cô cần nêu cao trách nhiệm, bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề. Điều đó, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có bản lĩnh, vừa giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm sao cho phù hợp với đời sống và sự phát triển của xã hội.
Với tinh thần “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc, các nhà giáo như được tiếp thêm nguồn động viên, để gắn bó, để rang buôc mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý mà xã hội đã trao tặng.