Viết tiếp Bài "Dấu hiệu oan sai vụ án cựu Bí thư Bến Cát: Bị cáo có bị trù dập trong công tác?
Pháp luật - Bạn đọc 24/05/2020 10:24
Hội đồng xét xử vụ án từ ngày 20-21/5. Ảnh: L.K |
Ông Nguyễn Hồng Khanh bị "quy trách nhiệm" như thế nào?
Trong hai ngày từ 20-21/5/2020, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử hình sự sơ thẩm (lần 2), vụ án liên quan đến ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư Thị xã Bến Cát (TX Bến Cát) và hai cán bộ thuộc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn, bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương buộc tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 và 355 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1 và cũng như lần 2 này, các bị cáo đều cho rằng mình không có tội và một mực kêu oan. Đặc biệt là trường hợp của bị cáo Nguyễn Hồng Khanh còn cho rằng mình bị trù dập khi đang công tác.
Dẫn lời bị cáo Khanh tại tòa, việc mua bán tài sản thế chấp tại ngân hàng BIDV giữa vợ chồng mình với bà Hồ Thị Hiệp là “mua bán dân sự”, đúng pháp luật, nhưng đã bị cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương "biến tấu" để “hình sự hóa”, đẩy bị cáo vào vòng lao lý một cách oan ức.
Ghi nhận trong hai xét xử ngày tại phiên tòa, có một điều phóng viên khá “bất ngờ” là cứ mỗi lần luật sư bào chữa nhắc đến và bị cáo Nguyễn Hồng Khanh kêu oan, vì bị trù dập thì lập tức bị chủ tọa phiên tòa cắt ngang và yêu cầu dừng lại, với lý do phiên xét xử không đề cập đến vấn đề này?
Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh trong phiên xét xử luôn kêu oan, bị trù dập. Ảnh: L.K |
Bên hành lang của phiên xét xử, phóng viên được người nhà bị cáo Nguyễn Hồng Khanh cung cấp nhiều thông tin và tài liệu liên quan đến việc ông Khanh có dấu hiệu bị trù dập. Đồng thời khẳng định, người trù dập ông Khanh là một lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Lý do bị trù dập vì trước đó ông Khanh làm đơn tố cáo lãnh đạo này có nhiều sai phạm trong chỉ đạo lĩnh vực đất đai; chỉ đạo thực hiện sai quy định của Đảng, Nhà nước về bầu cử.
Người nhà ông Khanh cho biết: Cuối năm 2015, ông Nguyễn Hồng Khanh được điều động giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Bến Cát và ông Trương Tấn Dũng giữ chức Phó bí thư, Chủ tịch UBND TX Bến Cát, và nhiệm kỳ kế tiếp (2016-2021). Theo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cơ cấu ông Trương Tấn Dũng phải tái trúng cử chức danh Phó bí thư, Chủ tịch UBND TX Bến Cát.
Tuy nhiên, tháng 6/2016, tại kỳ họp HĐND thị xã Bến Cát lần 1, ông Dũng không đủ phiếu tín nhiệm để trúng cử chức danh Chủ tịch UBND TX Bến Cát.
Việc ông Trương Tấn Dũng không đủ phiếu tín nhiệm để tái cử khiến ông Nguyễn Hồng Khanh bị Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp và buộc phải chịu trách nhiệm.
" Trong Thông báo số 137/TB-TU ngày 10/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, ông Khanh có hành vi “không báo cáo cấp trên”, nhưng trên thực tế ông Khanh đã báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy", người nhà ông Khanh bức xúc.
Thông báo số 137/TB-TU, lãnh đạo Tỉnh ủy có ý kiến yêu cầu: “… đồng chí Bí thư Thị ủy (tức ông Nguyễn Hồng Khanh) chỉ đạo thực hiện một số công việc cụ thể để đảm bảo kết quả theo dự kiến; Trường hợp sau đánh giá, nhận định thấy mức độ tín nhiệm đối với đồng chí Dũng thấp, khả năng không trúng cử thì có thể có văn bản đề xuất thay đổi phương án Chủ tịch UBND thị xã, nhưng phải giải trình lý do. Cả hai trường hợp thay đổi phương án nhân sự hoặc lãnh đạo bầu cử không đạt theo phương án đã được phê duyệt thì đồng chí Bí thư Thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và Đảng bộ Bến Cát…”.
Với nội dung của Thông báo 137/TB-TU, việc ông Trương Tấn Dũng không trúng cử Chủ tịch UBND TX Bến Cát thì người phải chịu trách nhiệm là ông Bí thư Nguyễn Hồng Khanh. Câu hỏi đặt ra việc ban hành văn bản mang tính "áp đặt" trách nhiệm cho ông Khanh có đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không?
Ông Nguyễn Hồng Khanh sau đó đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và điều chuyển công tác về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Bến Cát đã bỏ phiếu đề xuất kỷ luật, ông Nguyễn Hồng Khanh chỉ bị đề nghị không kỷ luật với số phiếu 27/42 (quá bán); Đề nghị hình thức khiển trách là 13/42 (không quá bán); Đề nghị cảnh cáo: 2/42 (rất thấp).
Theo người nhà ông Khanh, trong thời gian bị kỷ luật khiển trách và điều chuyển về Ban tổ chức Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Khanh không được phân công nhiệm vụ (ngồi chơi xơi nước). Quá uất ức và cho rằng bị trù dập, ông Khanh đã làm đơn kêu cứu khắp nơi và từ thời điểm này “sóng gió” bắt đầu ập đến, với liên tiếp đơn thư tố cáo ông Khanh gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.
Trong đó có đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa (con trai bà Hồ Thị Hiệp) tố cáo ông Khanh và cán bộ ngân hàng câu kết, o ép buộc mẹ mình phải bán rẻ tài sản thế chấp tại ngân hàng để chia nhau trục lợi.
Ông Nguyễn Hiệp Hòa, con trai bà Hồ Thị Hiệp- người tố cáo ông Khanh và cán bộ ngân hàng o ép mẹ mình bán tài sản giá rẻ để trục lợi tại phiên tòa. Ảnh: L.K |
"Theo như thông lệ, ban đầu đơn của ông Nguyễn Hiệp Hòa tố cáo ông Khanh phải được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương giải quyết và xử lý (vì ông Khanh là Tỉnh ủy viên, thuộc Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương quản lý). Thế nhưng, đơn thư này lại đến thẳng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tỉnh Bình Dương thụ lý(!?)", người nhà ông Khanh bức xúc.
Người nhà ông Khanh cho biết thêm, trong quá trình làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, ông Khanh không được tiếp cận với nội dung đơn thư tố cáo, chỉ biết làm việc xoay quanh chuyện mua bán tài sản đất đai với bà Hồ Thị Hiệp. Cho đến khi bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử, ông Khanh mới biết mình bị cơ quan tố tụng kết tội danh: “Vi phạm các quy định cho vay gây thất thoát, lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”!?
Đây cũng chính là nguyên nhân ông Khanh liên tục kêu oan ngay tại tòa và cho rằng mình bị trù dập.
Có hay không việc “Hình sự hóa” mua bán dân sự?
Trở lại với vụ án cựu Bí thư Bến Cát, Nguyễn Hồng Khanh bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử sơ thẩm, với tội danh: “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trong lần 2 xét xử sơ thẩm (từ ngày 20-21/5), Viện KSND tỉnh Bình Dương – cơ quan giữ quyền công tố mặc dù đã có bổ sung một số chi tiết vào bản cáo trạng (so với bản cáo trạng năm 2019). Thế nhưng, các Luật sư bào chữa cho các bị cách cho rằng: nội dung và bản chất không có gì mới mẻ. Cáo trạng cũ và mới đều quy kết cho các bị cáo thực hiện trái pháp luật vụ mua bán QSDĐ với bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại Ngân hàng BIDV –Chi nhánh Tây Sài Gòn, gây thoát thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên trong phần hỏi, phần tranh luận tại phiên tòa, Viện KSND tỉnh Bình Dương vẫn chưa đưa ra được những chứng cứ xác đáng, cụ thể nào để buộc các bị cáo làm thất thoát tài sản Nhà nước hoặc chứng cứ các bị cáo ăn chia, trục lợi? Mức án mà bị cáo Nguyễn Hồng Khanh bị Viện KSND tỉnh Bình Dương đề nghị là 10-12 năm tù.
Vì tính chất phức tạp của vụ án, sau khi nghị án vào chiều ngày 21/5, TAND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét và tuyên án vào ngày 28/5/2020.
Trong khi đại diện VKSND tỉnh Bình Dương đọc cáo trạng (sáng 20/5) trời có sấm chớp và đổ mưa rất to. ảnh chụp sân TAND tỉnh Bình Dương. ảnh: L.K |
Diễn biến của vụ án sẽ được Ngày mới Online tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo