Việc kháng nghị toàn bộ bản án, căn cứ Viện KSND TP Cần Thơ đưa ra không thuyết phục
Pháp luật - Bạn đọc 10/03/2022 14:31
Như đã phản ánh, chiều muộn ngày 7/1/2022, Hội đồng xét xử TAND TP Cần Thơ tuyên bản án hình sự sơ thẩm vụ án: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại Agribank Cần Thơ, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên cả 6 bị cáo: Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (nguyên Giám đốc, Trưởng phòng và cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ); Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam), Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt (Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến) đều không phạm tội đối với tội danh này.
Ngày 20/1/2022, ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng Viện KSND TP Cần Thơ kí ban hành Quyết định 03/QĐ-VKSCT, kháng nghị phúc thẩm theo hướng đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2022/HS-ST ngày 7/1/2022 của TAND TP Cần Thơ, để xét xử lại. Viện KSND TP Cần Thơ cho rằng, Bản án số 01/2022/HS-ST vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không đánh giá đầy đủ, toàn diện chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/1/2022 |
Viện KSND TP Cần Thơ cho rằng: nhận định trong bản án về việc xác định hậu quả thiệt hại… Do chưa xử lí tài sản bảo đảm, nên chưa có căn cứ để xác định thiệt hại, khắc phục hậu quả… là không đúng với quy định của pháp luật, theo Khoản 2, Điều 10 Nghị quyết số 3/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. “Thiệt hại trong vụ án được xác định kể từ thời điểm tội phạm hoàn thành và đã được ngăn chặn thời điểm tháng 6/2016, sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm với vốn và lãi, đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam 303.683.875.386 đồng, không thể căn cứ vào biến động của giá trị tài sản bảo đảm trong tương lai, có hay không có thiệt hại như Hội đồng xét xử đã đưa ra” – Quyết định số 03/QĐ-VKSCT của Viện KSND TP Cần Thơ nêu.
Nói như vậy là không đúng và có phần khiên cưỡng. Sự thật thời điểm đó không có chuyện gây thiệt hại, cũng không có dấu hiệu doanh nghiệp gây thiệt hại cho Agribank Cần Thơ, mà Agribank Cần Thơ đang khởi kiện dân sự tại TAND quận Ninh Kiều, để giải quyết nợ gốc và nợ lãi mà hai bên chưa thống nhất được nên phải nhờ tòa phán xử. Trong khi TAND quận Ninh Kiều đang thụ lí giải quyết vụ án dân sự, thì Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can để điều tra, rõ ràng có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.
Quyết định kháng nghị của Viện KSND TP Cần Thơ |
Bản án số 01/2022/HS-ST của TAND TP Cần Thơ cũng thể hiện căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, văn bản của Agribank Việt Nam, trong đó nhận định: thiệt hại như thế nào, thiệt hại bao nhiêu và có thu hồi đủ nợ hay không còn phụ thuộc vào tình hình thị trường, thời gian bán tài sản. Ngay Agribank Việt Nam cũng có quan điểm Cáo trạng của Viện KSND TP Cần Thơ chưa phản ánh đúng nội dung sự việc… Hiện Agribank chưa xử lí tài sản thế chấp, nên chưa xác định có thiệt hại cho ngân hàng hay không?
Tại Công văn số 4978/NHNo ngày 2/6/2021, Agribank Việt Nam vẫn có ý kiến: Trong quá trình đầu tư vốn cho doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, Agribank đã tuân thủ đầy đủ quy trình cho vay, xem kĩ lưỡng hiệu quả kinh tế của dự án… Vụ việc có thể đã giải quyết thông qua tố tụng dân sự, Agribank đã có thể thu hồi vốn, các khoản vay không phát sinh lãi đến thời điểm hiện nay… Tại phiên toà, Agribank vẫn giữ quan điểm này.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử TAND TP Cần Thơ còn thấy rằng: Tại các hợp đồng thế chấp tài sản, các bên có thoả thuận về xử lí. Sự thoả thuận này là quyền tự định đoạt của các đương sự, phù hợp với Điều 336, Điều 338 và Điều 355 Bộ luật Dân sự 2005. Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và ý kiến của Agribank, xác định các tài sản thế chấp là hợp pháp, việc thế chấp đúng trình tự thủ tục theo pháp luật, nhưng do chưa xử lí tài sản bảo đảm, nên chưa có căn cứ để xác định thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với các khoản vay của 3 công ty và 2 cá nhân.
Từ đó, Bản án số 01/2022/HS-ST của TAND TP Cần Thơ nhận định: “… Khi các bên thoả thuận được với nhau về việc xử lí tài sản thông qua đấu giá công khai, thì giá trị tài sản mới là khách quan, xác thực, phù hợp với quyền tự định đoạt giữa các đương sự, với giá thị trường. Còn kết luận định giá vẫn là chủ quan, giá trị được định như vậy chỉ là giá trị tham khảo, không thể xác thực, chưa thực sự phù hợp với thị trường… Việc Agribank Việt Nam thực hiện quyền khởi kiện đối với 3 doanh nghiệp, 2 cá nhân ra TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là đúng pháp luật”.
Luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Viện KSND TP Cần Thơ áp dụng Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP vào kháng nghị, có dấu hiệu không đúng với quy định của pháp luật. Vụ án được khởi tố vào năm 2015, được xét xử sơ thẩm qua các lần vào năm 2017, 2018. Trong khi tại Khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP thể hiện, Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/2/2021. Căn cứ Khoản 1, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Trong khi đó, vụ án này xảy ra trước thời điểm Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực, mà Viện KSND TP Cần Thơ lại đưa vào áp dụng, là trái với quy định này của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/1/2022 |
Kháng nghị số 03/QĐ-VKSCT của Viện KSND TP Cần Thơ còn trích dẫn nội dung không có trong Bản án số 01/2022/HS-ST của TAND TP Cần Thơ, cụ thể: “… Như vậy, Hội đồng xét xử cho rằng, chủ thể chứng minh thiệt hại trong vụ án hình sự là bị hại, là vi phạm quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định xác định sự thật vụ án tố tụng hình sự”. Nội dung này không hề thể hiện trong Bản án số 01/2022/HS-ST của TAND TP Cần Thơ, mà nguyên như sau: “Trường hợp xét xử đối với các bị cáo theo quy định Điều 179 Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định được thiệt hại, trong khi hiện nay Agribank Việt Nam cũng không xác định được thiệt hại và cho rằng, chỉ xác định được sau khi xử lí tài sản bảo đảm, tài sản hình thành từ vốn vay, từ tài sản riêng của các cá nhân, công ty liên quan… Do đó, Hội đồng xét xử không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội đối với các bị cáo, nên cần áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần tuyên các bị cáo vô tội”.
Nói chung trong vụ án này, Hội đồng xét xử TAND TP Cần Thơ áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, để tuyên các bị cáo không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”, là đúng pháp luật, thể hiện rất rõ việc cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay. Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSCT ngày 20/1/2022 của Viện KSND TP Cần Thơ, không những không đưa ra được những căn cứ vững chắc, mà còn có nội dung trái pháp luật, thậm chí quan điểm theo hướng “suy đoán có tội”, rõ ràng không có căn cứ để chấp nhận.
Hi vọng rằng, Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét thận trọng, kĩ càng vụ án này, ra phán quyết đúng thực tế, đúng quy định của pháp luật.
Cả sáu bị cáo được tòa tuyên không có tội Sau 2 ngày xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra ... |