Vì sao phải gỡ “Thẻ vàng” IUU trong khai thác thủy hải sản?
Xã hội 24/10/2024 13:59
EC rút “Thẻ vàng” IUU khiến cho việc nhập khẩu hải sản vào thị trường châu Âu (EU) của Việt Nam rất khó khăn vì bị kiểm tra 100% các lô hàng, tăng tần suất, kiểm tra hồ sơ, nguồn gốc của sản phẩm khai thác, nhập khẩu với thời gian dài làm tăng các chi phí.
10 tháng đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu hải sản của ta vào EU diễn ra bình thường, kim ngạch đạt cao hơn cả xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trở thành thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị 1,46 tỉ USD (tăng 22% so với năm 2016). Cũng năm ấy, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt 8,32 tỉ USD. Nhưng từ cuối năm 2017 đến nay do EC rút “Thẻ vàng” IUU, các rào cản thương mại, cạnh tranh với các quốc gia diễn ra gay gắt nên xuất khẩu thuỷ sản của ta sang châu Âu từ chỗ đứng thứ 1, nay tụt xuống vị trí thứ 5. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 8,97 tỉ USD, giảm 17% so với năm 2022 (sang Nhật đạt 1,51 tỉ USD, giảm 11,2%; sang Hoa Kỳ, Austraia, Anh, Canada, Nga, Braxin… đều giảm). Việc giảm này có nguyên nhân do chưa gỡ được “Thẻ vàng” IUU, đồng thời một phần ảnh hưởng của “chiến sự” vùng Biển Đỏ làm tăng cước vận chuyển, từ đầu năm 2024 còn thay đổi hải trình các tuyến châu Á, châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suer và khu vực Biển Đỏ.
Việt Nam là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu thuỷ sản, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy, chiếm 7-8% thị phần trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt 5,32 tỉ USD, tăng 8% so với 7 tháng năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất (963,7 triệu USD), rồi đến Trung Quốc (836 triệu USD). Dự báo năm 2024 sẽ đạt 10 tỉ USD.
Việc khai thác thuỷ sản ở nước ta được quy định bởi Luật Thuỷ sản năm 2017 theo hoạch định “vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi”, “hoạt động của tàu cá trên các vùng biển”. Vùng khơi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lí, tổ chức khai thác; vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thuỷ sản nội địa trên địa bàn do UBND tỉnh, thành phố có biển quản lí, tổ chức khai thác. Vùng ven bờ giới hạn bởi mép nước dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo được khai thác quanh bờ biển của đảo đến 6 hải lí. Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng. Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế thuộc vùng biển Việt Nam.
Châu Âu là thị trường nhập khẩu thuỷ sản đứng đầu thế giới, cũng là châu lục có những nhà sản xuất, chế biến, buôn bán và xuất khẩu thủy sản lớn, với mạng lưới trao đổi khắp các châu lục. Việc EC rút “Thẻ vàng” thuỷ sản IUU căn cứ từ Quy định số 1005/2008 có hiệu lực từ ngày 1/10/2010. Mục tiêu là nhằm thiết lập một hệ thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản khai thác IUU vào thị trường EU. Theo EC, hoạt động đánh bắt IUU là mối đe doạ lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường, về kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ước tính, đánh bắt bởi IUU chiếm 19 - 20% tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới hằng năm, hầu hết diễn ra ở các nước đang phát triển.
Sở dĩ EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lí do Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng; chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU. Vì lẽ đó, EC đã tổ chức 3 đoàn thanh tra để xem xét việc gỡ “Thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam. Về phía ta từ năm 2022 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực sau mỗi đợt thanh tra. Đến nay, khung pháp lí đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện để đạt chuẩn theo quy định của Hiệp định PSMA, về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.
Việc cấp bách hiện nay để gỡ thẻ vàng IUU là phải tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Phải truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Tập trung cao điểm xử lí các hành vi vi phạm IUU. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tập huấn, vận động ngư dân ven biển quán triệt, thực hiện. Chuẩn bị nội dung, các điều kiện tốt nhất để tiếp và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 để có thể gỡ “Thẻ vàng” sớm nhất. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Thuỷ sản, Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ gia nhập Hiệp hội về các biện pháp quốc gia phòng ngừa, ngăn chặn và bãi bỏ khai thác IUU được FAO chấp nhận từ ngày 2/2/2020, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương. Cùng với quyết tâm chính trị là khai thác tiện ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại như công nghệ định vị vệ tinh, hình ảnh vệ tinh, radar khẩu độ tổng hợp; công nghệ tổng hợp dữ liệu và phân tích trí tuệ nhân tạo (AI); phương tiện giám sát không người lái, truy xuất blockchanin…
Sau đợt thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10/2022, EC vẫn khuyến nghị Việt Nam thực hiện 4 nhóm giải pháp, gồm: Khung pháp lí; Quản lí đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; Truy xuất nguồn gốc và Thực thi pháp luật. Những yêu cầu chính đáng, thiết thực đó đòi hỏi Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải triển khai đồng bộ, kiên quyết với quyết tâm chính trị cao trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về quản lí việc khai thác thuỷ sản, quản lí cảng cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, hướng đến chấm dứt các hành vi vi phạm IUU, đẩy mạnh xuất khẩu hải sản ra thế giớí, đặc biệt đối với thị trường châu Âu…