Vi rút “xã hội đen”
Trong mắt người già 10/06/2020 09:45
Trong đời sống xã hội còn có một loại vi rút nguy hiểm, không mới đã tồn tại dai dẳng và đây đó đang xâm nhập vào đội ngũ công quyền, đó là vi rút “xã hội đen”.
Cách đây hơn hai chục năm, vụ án Năm Cam và đồng bọn gây chấn động mạnh xã hội không chỉ bởi sự ngông nghênh coi thường pháp luật, sự tàn độc của tội phạm mà còn vì một số người có chức quyền và ảnh hưởng không nhỏ với xã hội cũng “dính” vào guồng máy của chúng. Tuy liên tục gây ra tội ác trên địa bànTP Hồ Chí Minhvà nhiều tỉnh thành một thời gian dài nhưng do chúng được bảo kê của công chức có quyền, mua chuộc người có ảnh hưởng nên việc triệt phá vô cùng khó khăn.
Vụ án vợ chồng Đường Nhuệ ở Thái Bình đang được điều tra khiến nhiều người liên tưởng lại vụ án trên vì cũng do một cặp vợ chồng điều hành (Năm Cam và Phan Thị Trúc). Thật khó tin tội phạm lộng hành ngay trong trụ sở tiếp công dân, công an viên, phó công an phường có mặt nhìn thấy lại ngoảnh đi. Rồi, một thời gian sau cơ quan công an ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, với lí do “chưa xác minh được bị can; hết thời hạn điều tra”!? Từ khống chế, đe dọa trong đấu giá đất đai đến “thu thuế mai táng”… ở đâu có thể kiếm tiền là chúng thò vào bàn tay tội ác, làm mưa làm gió!
Ai theo dõi chương trình “Hành trình phá án” trên kênh ANTV sẽ thấy đội ngũ hình sự của ta quá giỏi. Biết bao vụ án vô cùng phức tạp, lắt léo, chứng cứ rất ít hoặc như con số 0 nhưng lực lượng điều tra hình sự với trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, không sớm thì muộn, luôn có được “đáp án”. Hoặc những vụ đại án giết người dã man mấy năm gần đây đều được điều tra khá nhanh chóng, thủ phạm khó thoát “lưới trời”. Thế nhưng có những vụ tưởng đơn giản thì lại khá “bùng nhùng” và dư luận luôn nghi ngờ rằng có kẻ “chống lưng” hoặc “ăn tiền” nằm trong bộ máy công quyền. Công chức, cán bộ bắt tay hoặc bảo kê cho kẻ làm ăn bất chính có thể ví như họ đã nhiễm “vi rút” xã hội đen.
Tội phạm dạng như Năm Cam trước kia, hay Đường “nhuệ” hiện nay thực sự là một loại vi rút xâm nhập vào “cơ thể” công quyền, phá hủy sức khỏe nền hành pháp, gây hậu họa cho người dân, doanh nghiệp, gây bất an xã hội và nguy hiểm hơn là giảm sút niềm tin của Nhân dân vào thể chế.
Khi “vi rút” xã hội đen xâm nhập vào công chức, lúc đó tội phạm như được chắp thêm nanh vuốt và sẽ rất “khó điều trị”