Ung thư đường mật khó phát hiện, dễ tử vong
Sức khỏe 29/12/2020 08:53
Tiến sĩ Võ Văn Hùng, Phó Khoa Tiêu hoá Gan Mật, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, ung thư đường mật tiên lượng rất xấu, đặc biệt là ung thư vùng rốn gan. Nếu không điều trị, bệnh nhân tử vong do suy gan và di căn chỉ trong vòng 3-6 tháng.
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 8.000 trường hợp ung thư đường mật. Tỉ lệ sống sau năm năm của người ung thư đường mật trong gan là 15,9% và ung thư đường mật ngoài gan là 27,8%.
Theo bác sĩ Hùng, hiện nay việc phát hiện sớm ung thư đường mật còn rất khó khăn, đặc biệt là khi có kết hợp sỏi đường mật. Đa số bệnh nhân khi phát hiện đã có xâm lấn các mạch máu quan trọng của gan, gây khó khăn cho phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối ung thư.
Một số yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật là nhiễm trùng mạn tính, nhiễm kí sinh trùng, tiếp xúc các hóa chất dùng trong công nghiệp cao su, người có nang đường mật, xơ gan bẩm sinh, viêm đường mật xơ hóa, viêm loét đại tràng. Ung thư đường mật trên bệnh nhân viêm loét đại tràng có khuynh hướng diễn tiến trầm trọng hơn.
Vàng da có thể là dấu hiệu của ung thư đường mật hoặc các bệnh lí lành tính khác như sỏi mật, xơ gan, viêm gan, tán huyết... Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp ung thư đường mật. Ngoài ra bệnh nhân có thể đau bụng, đôi khi vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật, ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân. Trường hợp muộn, người bệnh có thể báng bụng do có dịch trong bụng.
"Hiện nay vẫn chưa có kĩ thuật chẩn đoán nào chính xác 100%, u vẫn có thể bị nhầm là sỏi hay bùn mật trên các chẩn đoán hình ảnh", bác sĩ Hùng phân tích.
Siêu âm là phương tiện chẩn đoán đầu tiên đối với bệnh nhân vàng da. Biểu hiện chính là hình ảnh đường mật bị giãn, siêu âm rất khó nhận biết vị trí của khối u. Chụp cắt lớp điện toán CT đánh giá được vị trí u, mức độ xâm lấn của u vào gan và di căn, nhưng không thể phát hiện u nhỏ hơn một xen-ti-mét.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) có thể chẩn đoán u đường mật. Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, tránh được tia X, cho phép quan sát được toàn bộ hình ảnh đường mật, tuy nhiên đôi khi khó phân biệt giữa u và sỏi hoặc bùn mật.
Bác sĩ có thể chọn các kĩ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) và siêu âm qua nội soi (EUS), nhất là khi cần xác định bản chất mô học của u. Ngoài ra, bác sĩ sẽ sinh thiết giúp xác định bản chất mô học của tế bào khối u, với nhiều phương pháp như chọc kim nhỏ qua da, qua nội soi mật tụy ngược dòng, qua siêu âm nội soi... hoặc tìm tế bào ung thư trong dịch mật.
Điều trị ung thư đường mật Phẫu thuật
Phẫu thuật triệt để là phương pháp duy nhất cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân. Tuy nhiên trên nửa số trường hợp khi phẫu thuật phát hiện có di căn phúc mạc hoặc di căn xa, dù các phương tiện chẩn đoán trước mổ cho thấy còn khả năng làm phẫu thuật triệt để.
Do bản chất xâm lấn tại chỗ và do vị trí quan trọng của vùng rốn gan - chỗ chia của hai ống gan, khả năng phẫu thuật điều trị triệt để ít và khó thực hiện. Chỉ 15-30% trường hợp ung thư đường mật vùng rốn gan có thể cắt bỏ được. Đa số trường hợp ngoài việc cắt bỏ đường mật có u, bác sĩ phẫu thuật phải cắt luôn phần gan có u xâm lấn.
Phẫu thuật điều trị ung thư đường mật là phẫu thuật phức tạp, chỉ được thực hiện tại một số trung tâm ngoại khoa lớn của Việt Nam.
Trong những trường hợp không thể cắt bỏ u, bác sĩ đặt ống thông (stent) đường mật qua chỗ hẹp là tốt nhất, giúp mật lưu thông từ gan xuống ruột và bệnh nhân sẽ giảm vàng da. Phương pháp dẫn lưu mật này giúp cải thiện chất lượng sống, giảm vàng da, ăn uống ngon miệng hơn nhờ có dịch mật tiêu hóa thức ăn.
Hóa trị
Hiện nay có một số thuốc mới được dùng điều trị ung thư đường mật nhưng tỉ lệ đáp ứng còn thấp, nhất là các bệnh nhân đã quá chỉ định phẫu thuật, không còn cắt được u. Trong một số nghiên cứu, điều trị bằng hóa trị sau đặt ống dẫn lưu giúp cải thiện thời gian sống trung bình từ 8 tháng lên 28 tháng.
Phòng ung thư đường mật
Theo bác sĩ Hùng, không thể dự phòng hoàn toàn ung thư đường mật, chỉ có thể tránh các yếu tố thuận lợi như tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, điều trị các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bệnh kí sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, viêm loét đại tràng, các bệnh đường mật khác như nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa...
Nên khám sức khỏe định kì hằng năm, đặc biệt người trên 50 tuổi, lứa tuổi thường gặp ung thư đường mật. Trường hợp đau vùng bụng trên bên phải, nước tiểu vàng sậm, vàng da, vàng mắt nên đến ngay các trung tâm y tế để phát hiện bệnh sớm.