UBND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội: Cưỡng chế thu hồi đất... đẩy người dân ra đường
Quốc tế 27/04/2018 09:09
8 năm trước cán bộ làm sai không cấp đất TĐC cho gia đình bà Lan
Năm 2010, gia đình bà Hoàng Thị Lan có căn nhà ở sát đường 32, diện tích 36m2 đã bị giải tỏa để Nhà nước thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 32. Theo quy định, gia đình bà được hưởng tiêu chuẩn TĐC, nhưng cán bộ địa chính của phường làm sai, cắt suất TĐC của gia đình bà Lan (cán bộ địa chính này đã được giao cho Công an để điều tra). Không có chỗ ở, gia đình bà Lan được bà Nguyễn Thị Kim Hoa (chị dâu bà Lan) cho 1 phần nhà đất thuộc tờ bản đồ 64 thửa 464, khu ruộng Đống, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm làm nhà ở ổn định từ đó đến trước ngày bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) năm 2018. Theo bà Lan, gia đình bà Hoa cũng mất 80m2 đất trong việc quy hoạch năm 2010, khi thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 32 và trong phương án bồi thường TĐC chỉ được 40m2.
Gia đình bà Hoa đã đóng 520 triệu đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để được nhận đất TĐC, nhưng đã 8 năm nay vẫn không được nhận đất TĐC. Ở dự án này UBND quận Bắc Từ Liêm đã đẩy nhiều gia đình bị mất đất, lâm vào tình cảnh không nhà cửa, đã đóng tiền nhưng chưa có đất TĐC. Có nhiều hộ (như gia đình bà Lan) bị cắt suất TĐC trái pháp luật, còn chính quyền thì không quan tâm gì đến cuộc sống của người dân bị thu hồi đất!
Thành phố chưa phê duyệt dự án đã cố tình cưỡng chế nhà dân
Sáng 19/3/2018, bà Lan do bị thương phải đến Bệnh viên chẩn đoán theo dõi rạn xương, đã làm đơn gửi ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Trưởng ban cưỡng chế xin hoãn mấy ngày để đi bó bột rồi gia đình tự phá dỡ nhà cửa, nhưng ông Vinh không đồng ý. Lực lượng cưỡng chế lôi bà Lan ra khỏi nhà, khiến chân bà bị nặng hơn (vỡ xương), hậu quả là Bệnh viện 198 phải bó bột. Sau đó lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ bà tại Công an quận Bắc Từ Liêm đến 8 giờ tối mới cho về, trong tình trạng chân bà bị vỡ xương, còn nhà thì đã bị san phẳng
Sau cuộc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà Lan làm Dự án trạm trung chuyển đa phương thức (trạm trung chuyển này có nhiều sai phạm trong tiến trình xây dựng dự án và phê duyệt dự án. Dự án lấy đất không đúng pháp luật, năm 2016 HĐND TP Hà Nội chưa phê duyệt dự án, nhưng UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định thu hồi đất. Nhiều hộ dân đã có nhiều đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng thậm chí tòa án đang thụ lí vụ khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND quận Bắc Từ Liêm); nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc khuất tất của dự án này. Dự án lấy đất không đúng vị trí, thừa diện tích. Năm 2018, HĐND TP Hà Nội phê duyệt 0,25 ha, nhưng diện tích bị cưỡng chế lên tới 0,40 ha)
Việc đền bù cũng không đúng pháp luật, mức giá quá thấp (201.600đồng/m2 đất nông nghiệp, trước đó năm 2010 khi thu hồi đất để nâng cấp đường 32 thì được Nhà nước bồi thường 4.800.000đồng/m2) ).
Việc cưỡng chế thu hồi đất của dự án này vi phạm Hiến pháp, thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc các địa phương không được cưỡng chế buộc tháo dỡ phá nhà ở, khi người bị thu hồi đất chưa được giải quyết TĐC. Quận Bắc Từ liêm đã phá nhà, đẩy nhiều hộ dân vào con đường không có nơi ăn chốn ở, không có kế sinh nhai. Trong đó gia đình bà Lan, qua 2 lần bị GPMB mất đất và nhà cửa nhưng không có suất TĐC, không có chỗ ở, hiện gia đình phải thuê nhà để sinh sống.
Từ thực tế trên, Báo Người cao tuổi đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí nhà TĐC cho các hộ không có nơi ở và giải quyết đền bù hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật, xử lí và khắc phục những việc làm chưa đúng pháp luật của UBND quận Bắc Từ Liêm.
Đinh Quyết Thắng