TP Thái Bình: “Nhập nhằng” chuyện mua bán, chuyển nhượng… để “chiếm” đất
Pháp luật - Bạn đọc 19/11/2020 14:52
Nguồn gốc đất qua các lời khai của các nhân chứng
Thửa đất số 229, tờ bản đồ số 07, tổ 32 (nay tổ 15, phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã được HTX Lạc Đạo và UBND xã Vũ Lãm cấp cho ông Phan Văn Bảo từ năm 1985, để làm nhà ở. Ông Bảo đã xây móng nhà trên; dựng 2 gian nhà dưới cấp 4 và xây tường bao xung quanh, đất còn lại trồng cây. Năm 1988, khi sinh con đầu lòng, vợ chồng ông Bảo vào nhà bố mẹ ở và có nhờ bà Phan Thị Gái (chị ruột ông Bảo) ra khu nhà đất đó để trông coi hộ. Đến năm 2014 – 2015, để chuẩn bị cho sửa chữa, xây dựng lại nhà và làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, gia đình ông Bảo mới biết, bà Gái đã bán thửa đất của mình cho vợ chồng ông Trần Xuân Nguyệt, bà Phan Thị Dung. Rồi không biết làm thế nào ông Nguyệt, bà Dung lại có sổ đỏ cấp ngày 09/4/2004(!?).
Sau đó, vợ chồng ông Bảo đã làm đơn gửi các cấp, các ngành nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết, buộc gia đình ông Bảo phải phát đơn khởi kiện ra Tòa. Trong Văn bản số 508/2020/TA ngày 4/3/2020 của TAND tỉnh Thái Bình về quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đã chứng minh rõ nguồn gốc đất của ông Phan Văn Bảo thể hiện qua các lời khai nhân chứng. Đó là, ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Chủ tịch UBND phường Trần Lãm từ năm 1982 - 1989 và ông Đặng Công Dành, nguyên cán bộ địa chính phường Trần Lãm khẳng định: “Thửa đất số 229, tờ bản đồ số 07 là của ông Phan Văn Bảo được UBND xã cấp cho từ năm 1985, sau khi ông Bảo đi bộ đội về và đất đó được xã trích ra từ quỹ đất nông nghiệp”. Ông Lương Ngọc Cảnh, Phan Văn Nhuận, Nguyễn Công Xùng, Phạm Duy Thược là những hộ liền kề cũng xác nhận thửa đất đó là của ông Bảo được chia đất, cấp đất cùng với họ… Bà Phan Thị Gái, người lấy đất của ông Bảo bán cho vợ chồng ông Nguyệt, bà Dung cũng thừa nhận đất đó là của ông Bảo… Tất cả những ý kiến này đều được thể hiện trong các Biên bản hòa tại UBND phường Trần Lãm và TAND tỉnh Thái Bình.
Xác nhận của nguyên Chủ tịch UBND phường, cán bộ địa chính và các hộ liền kề. |
Có thể thấy, thửa đất của ông Bảo đang sử dụng là có nguồn gốc rõ ràng… nhưng chính quyền phường Trần Lãm lại cho rằng: “Về phía ông Phan Văn Bảo không có một thứ giấy tờ thủ tục liên quan gì để chứng minh diện tích đất nói trên là của ông Phan Văn Bảo”.
“Vậy thử hỏi về phía chị tôi (bà Phan Thị Gái) có giấy tờ thủ tục liên quan gì để chứng minh việc chuyển nhượng thửa đất số 229 với tôi? Và vợ chồng ông Trần Xuân Nguyệt, bà Phan Thị Dung có giấy tờ gì để Phòng Địa chính làm thủ tục trình UBND thị xã Thái Bình cấp sổ đỏ cho họ?”, ông Bảo bức xúc đặt vấn đề.
Hồ sơ liên quan đến thửa đất đều “mất dạng” (!?)
Để có căn cứ xác định nguồn gốc đất, xem xét việc mua bán chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyệt, bà Dung. Nhóm phóng viên cũng như các Luật sư, cơ quan Tòa án và cả gia đình ông Bảo đã đến chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố, phường Trần Lãm đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan tới thửa đất 229… nhưng tất cả đều nhận được một câu trả lời “không có hồ sơ, không lưu trữ”. Cụ thể, “Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thái Bình không lưu trữ các tài liệu do Văn phòng Luật sư IQS đề nghị cung cấp”; Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT cho hay: “Tại kho lưu trữ tài liệu của Trung tâm không lưu hồ sơ giao cấp đất cho cá nhân/hộ gia đình”; Phòng TN&MT TP Thái Bình lại “chuyền bóng” trách nhiệm sang cho UBND phường và Văn phòng ĐKĐĐ TP Thái Bình: “Việc xác định nguồn gốc, thời gian sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND phường. Về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP thuộc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP quản lý và lưu trữ”; UBND phường Trần Lãm trả lời: “Hiện tại không có hồ sơ lưu tại UBND phường”; Còn Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP vô tư trả lời: “Hiện chưa tìm thấy”. Trên thực tế ngày 26/02/2015, chính Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Thái Bình đã cung cấp hồ sơ cấp sổ đỏ của vợ chồng ông Nguyệt, bà Dung cho Luật sư Vũ Văn Đảng. Ông Đảng đã đưa cho ông Bảo để đem đến nộp cơ quan Tòa án.
Hậu quả khôn lường?
Đến nay, đã 1 năm 8 tháng kể từ ngày TAND tỉnh Thái Bình thụ lý (28/3/2019) vụ án không những chưa được giải quyết dứt điểm mà còn có nhiều tình tiết phức tạp, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ để cấp sổ đỏ trái với quy định của pháp luật. Trong đơn Đăng ký quyền sử dụng đất, vợ chồng ông Trần Xuân Nguyệt khai: Về nguồn gốc đất đai và tài sản: Đất thổ cư; Đơn xác minh nguồn gốc đất ở khai: Lý do được sử dụng: Đất thổ cư do ông cha để lại; Thời gian sử dụng: Từ năm 1974.
Thực tế, trước năm 1985, thửa đất 229 cấp cho ông Phan Văn Bảo là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND xã Vũ Lãm chứ không phải là đất thổ cư do ông cha để lại từ năm 1974. Nếu thửa đất cấp cho ông Phan Văn Bảo là đất thừa kế của ông bà, cha mẹ để lại cho bà Phan Thị Dung thì trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà Dung phải có di chúc và văn bản phân chia di sản thừa kế. Vậy mà lãnh đạo UBND phường Trần Lãm và Phó phòng Địa chính thị xã Thái Bình trước đây (nay đã lên vị trí cao hơn) vẫn ký xác nhận: Đủ hồ sơ, Quyền sử dụng đất hợp pháp. Đủ điều kiện để cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Trần Xuân Nguyệt, bà Phan Thị Dung. Đáng chú ý là các chữ ký của ông Nguyệt, bà Dung trong các giấy tờ xin xác minh nguồn gốc đất ở có dấu hiệu là chữ ký giả do người khác ký hộ. Hơn nữa, vụ án đang trong quá trình giải quyết, thửa đất 229 lại tiếp tục được bán cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Thư, bà Trần Tuyết Vân (Hợp đồng chuyển nhượng ngày 10/3/2020).
Ông Bảo bị đột quỵ khi biết đất của mình tiếp tục được bán và chuyển nhượng. |
Liệu đây có phải là thực trạng đang diễn ra ở Thái Bình như người dân phản ánh là những thửa đất, lô đất… hồ sơ thủ tục chưa hoàn thiện hoặc đang tranh chấp luôn được các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản đặc biệt “quan tâm”để mua với giá rẻ để trục lợi? Ai là người “tiếp tay” cho những hành vi vi phạm pháp luật trên?