Tổng thống Mỹ Donald Trump – Người đặt dấu chấm hết cho “toàn cầu hoá”?
Quốc tế 27/09/2018 08:24
“Tôi đứng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để chia sẻ tiến bộ phi thường mà chúng tôi đã đạt được. Trong vòng chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã đạt được nhiều điều hơn hầu hết bất cứ chính quyền nào trong lịch sử đất nước chúng tôi” – Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện quan điểm “nước Mỹ trên hết” (America First) của ông ngay trong những câu đầu tiên của bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9.
Ông Trump phát biểu tại kỳ họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Như mọi khi, cái “Tôi” bị thổi phồng đến cực đại của ông Trump khiến toàn bộ khán phòng bật cười. Cũng khó có thể trách họ được.
“Tôi không trông đợi phản ứng đó nhưng cũng ổn thôi” – ông Trump nói và sau đó chia sẻ rằng ông cố tình thể hiện sự hài hước trong bài phát biểu đó.
Nhưng có lẽ quá nhiều người đã mải mê cười vì bài phát biểu thứ hai của Tổng thống Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nên xao nhãng thông điệp mà người đứng đầu nước Mỹ gửi tới đại diện của gần 200 nước trên thế giới, một thông điệp có thể gói gọn lại trong cụm từ “chối bỏ toàn cầu hóa”.
“America First” – Nước Mỹ trên hết
“Nước Mỹ sẽ luôn chọn độc lập và hợp tác hơn là quản trị toàn cầu, kiểm soát và chi phối” – ông Trump nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2016 của mình, ông Trump cũng đã gây chấn động khi tuyên bố chính sách đối ngoại của ông sẽ đặt “nước Mỹ trên hết”. Và người đứng đầu nước Mỹ đã nhắc đi nhắc lại quan điểm đó theo cách này hay cách khác trong cả 2 bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Quan điểm của ông Trump rằng mỗi nước tốt nhất nên tập trung vào bản thân họ lại được trình bày tại một diễn đàn toàn những người tin rằng các nước cần hợp tác với nhau vì mục đích chung tốt đẹp – Liên Hợp Quốc.
Quan điểm ấy thực chất hoàn toàn hợp lý nhưng nó lại được thể hiện bằng những ngôn từ hoàn toàn khác so với các Tổng thống Mỹ trước đây, những người thường tôn vinh trách nhiệm của nước Mỹ như là cường quốc giàu có và mạnh mẽ nhất thế giới, một đất nước sẵn sàng nâng đỡ láng giềng và bạn bè của mình.
“Chúng ta có thể chọn thúc đẩy tiến lên với một hình mẫu tốt hơn cho hợp tác và hội nhập. Hoặc chúng ta có thể lùi lại vào một thế giới bị chia rẽ sâu sắc và rút cuộc là rơi vào xung đột, cùng với những ranh giới lâu đời hình thành bởi quốc gia, dân tộc và tôn giáo” – cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong bài phát biểu cuối cùng của ông tại Liên Hợp Quốc năm 2016.
Người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa của ông Obama, cựu Tổng thống George W. Bush lại nhấn mạnh vào việc các nước trên thế giới cần sát cánh bên nhau để chống lại khủng bố và chủ nghĩa độc đoán.
“Bằng việc cùng hành động để giải quyết thách thức cơ bản của thời đại chúng ta, chúng ta có thể dẫn lối tới một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tràn đầy hy vọng hơn” – ông Bush phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2008.
Nhưng ông Trump lại chính là kiểu người không tuân theo bất cứ lề thói hay truyền thống nào.
“Chính sách của Mỹ về chủ nghĩa hiện thực dựa trên nguyên tắc có nghĩa là chúng tôi sẽ không bị kìm kẹp bởi những giáo điều cũ, những tư tưởng đã lỗi thời hay những người mang tiếng là chuyên gia nhưng thực tế chứng minh họ đã sai lầm nhiều năm qua, hết lần này đến lần khác” – ông nói tại Đại hội đồng.
Tiếp tục chê trách Liên Hợp Quốc
“Như chính quyền của tôi đã thể hiện, nước Mỹ sẽ luôn hành động vì lợi ích quốc gia của chúng tôi” – Tổng thống Trump nói trước khi nhắc lại chuyện năm ngoái, cũng tại sự kiện này, ông đã cảnh báo rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) đã thành “một nỗi xấu hổ” với việc “bao che cho những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong khi công kích nước Mỹ và bạn bè của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự trân trọng với những gì mà Liên Hợp Quốc đã làm để giúp người dân trên khắp thế giới song cam kết Mỹ “sẽ làm cho Liên Hợp Quốc hiệu quả và đáng trông cậy hơn”.
Ông Trump đã chỉ thị Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đưa ra một chương trình nghị sự để cải cách tổ chức này kèm với những lời cảnh cáo và răn đe nhưng “không có hành động nào được thực hiện”.
“Vì thế nước Mỹ đã chọn con đường có trách nhiệm duy nhất là rút khỏi UNHRC và chúng tôi sẽ không quay trở lại chừng nào cải cách thực sự được triển khai” – ông Trump nghiêm khắc nói.
“Tính đến nay, Mỹ là nước cho đi viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới nhưng ít ai cho chúng tôi cái gì” – ông Trump chỉ rõ. “Chúng sẽ kiểm tra xem cái gì có hiệu quả, cái gì không và liệu các nước nhận tiền cũng như sự bảo vệ của chúng tôi có đặt lợi ích của chúng tôi làm trọng tâm không”.
“Tiến tới, chúng tôi sẽ chỉ trao viện trợ nước ngoài cho những ai tôn trọng chúng tôi và, thẳng thắn mà nói, là bạn của chúng tôi” – ông Trump cho biết. “Và chúng tôi kỳ vọng các nước khác sẽ chi trả phần của họ một cách công bằng”.
Ông Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ giới hạn ngân sách chi cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc xuống còn 25% của ngân sách hoạt động tổng thể, tức là cắt giảm 3,47% so với đóng góp hiện nay của nước này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, bằng việc “kì kèo” từng đồng với Liên Hợp Quốc, ông Trump đang tiếp tục làm xói mòn hình ảnh của nước Mỹ ở vị trí trung tâm trong trật tự thế giới.
Một luồng ý kiến cho rằng điều ông Trump làm cũng là có lý bởi đã đến lúc các nước khác “chi trả phần của họ một cách công bằng”.
Nhưng số khác chỉ ra rằng, có lý do khiến Mỹ lâu nay luôn tự giác gánh vác tài chính cho Liên Hợp Quốc, cũng như việc trụ sở của tổ chức này đặt ở thành phố New York vậy.
Thẳng thắn mà nói, tài chính là công cụ duy trì thế mạnh áp đảo của Mỹ tại Liên Hợp Quốc và ông Trump, hơn ai hết, đáng lẽ phải là người hiểu rõ điều đó.
Mỹ “chơi” theo luật Mỹ
Cũng vì những lý do tương tự, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không ủng hộ việc công nhận Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì theo Washington, cơ quan này “không có thẩm quyền, không có tính hợp pháp và không có thẩm quyền”.
ICC tuyên bố quyền tài phán toàn cầu với công dân của hầu hết các nước nhưng theo Mỹ, điều này vi phạm tất cả các nguyên tắc về công lý, công bằng và quy trình.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ để chủ quyền của nước Mỹ phải đầu hàng trước bộ máy toàn cầu quan liêu, không do bầu bán và không đáng trông cậy” - Tổng thống Trump khẳng định. “Nước Mỹ được vận hành bởi người Mỹ. Chúng tôi chối bỏ ý tưởng về toàn cầu hóa và đi theo học thuyết về chủ nghĩa yêu nước.”
Trong khi Trung Quốc vừa muốn vươn lên trong các định chế cũ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc, vừa hình thành một loạt định chế mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác Thượng hải (OSC)… thì Mỹ đòi “đập đi xây lại” những định chế toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
“Nhiều nước trong căn phòng này sẽ đồng ý rằng hệ thống thương mại thế giới rất cần phải thay đổi” – ông Trump nói, cho rằng nhiều nước tham gia WTO lại đang vi phạm “mọi nguyên tắc mà tổ chức này đặt làm cơ sở”.
Ông Trump lấy ví dụ việc nước Mỹ đã mất hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất và 60.000 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Nhưng người đứng đầu nước Mỹ khẳng định, “những ngày đó đã qua”.
“Chúng tôi sẽ không để công nhân của mình trở thành nạn nhân, các công ty của mình bị lừa gạt và sự thịnh vượng của chúng tôi bị cướp bóc và chuyển giao” – ông Trump nhấn mạnh, “nước Mỹ sẽ không bao giờ xin lỗi vì bảo vệ công dân của mình”.
Nếu như trước đây, các định chế đa phương và toàn cầu hóa được Washington xem là phương tiện để nước Mỹ tạo dựng và duy trì vị thế cường quốc số Một thế giới của mình thì dưới thời Tổng thống Donald Trump, vì những thay đổi thời cuộc, trong đó có sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc trên nhiều diễn đàn, chúng lại bị chối bỏ và phá bỏ. Nhưng xét cho cùng, mục đích của chính quyền nào ở Washington cũng không thay đổi, đó là duy trì vị thế đứng đầu của nước Mỹ./.
VOV.VN