Toan tính của Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử 2024
Quốc tế 25/10/2023 15:10
Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) ngày 21/10, các tổng thống Mỹ gần đây của đảng Dân chủ đã tìm cách tái tranh cử bằng hạn chế vận động tranh cử công khai, thay vào đó họ sẽ tập trung vào những điều cốt lõi trong công việc của mình. Tổng thống Bill Clinton, trong nỗ lực tái tranh cử thành công năm 1996, đã dành những tháng cuối cùng của chiến dịch tranh cử để đàm phán các thỏa thuận lập pháp với Quốc hội vốn chiếm đa số bởi Đảng Cộng hòa.
Với Tổng thống Barack Obama, vào cuối tháng 10/2012, đã tạm dừng hoạt động tranh cử và nỗ lực chỉ đạo các lực lượng liên bang ứng phó với cơn bão Sandy ở vùng Đông Bắc, do đó góp phần vào chiến thắng của ông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái, phía trước) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải, phía trước) tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv ngày 18-10-2023 |
Dù còn hơn 1 năm nữa mới đến “Ngày bầu cử năm 2024”, Tổng thống Joe Biden dường như đang thực hiện cách tiếp cận tương tự, trước các cuộc khủng hoảng và xung đột quốc tế. Bằng cách thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Tel Aviv vào tuần trước sau chuyến thăm tương tự tới Ukraine vài tháng trước đó, đồng thời đưa ra lời kêu gọi vào “khung giờ vàng” hôm 19/10 tới cử tri Mỹ rằng hãy ủng hộ cả Israel và Ukraine, ông Biden đang thu được một số lợi ích chính trị.
Dù các chuyến thăm có ảnh hưởng thế nào đến mặt trận ngoại giao, thì cùng với bài phát biểu trên truyền hình vào khung giờ vàng tối 19/10, các hoạt động đó đang có lợi cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Biden vào thời điểm này, đặc biệt nếu ông phải đối đầu với cựu Tổng thống Trump. Các sự kiện đều nhằm thể hiện ông Biden là một vị "Tổng tư lệnh" đầy tự tin, giàu kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về lịch sử.
Với dư luận quốc tế, Tổng thống Biden đã thực hiện một hành trình dài bất chấp những lời chỉ trích rằng ông đã nghiêng quá xa về phía Israel và gây bất lợi cho người Palestine. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, Tổng thống Biden không đạt được nhiều thành tựu. Nhưng trong chuyến thăm Israel kéo dài khoảng 7 tiếng rưỡi, ông Biden đã bảo đảm cho hai mục tiêu chính: Trấn an công chúng Israel rằng Washington đang sát cánh cùng họ, cũng như không gian để yêu cầu nhượng bộ nếu cần. Thứ hai, vạch ra kế hoạch để đưa viện trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Gaza cho những thường dân bị mắc kẹt, hi vọng kế hoạch này sẽ đóng vai trò là khuôn mẫu cho nhiều chương trình sắp tới.
Tuy nhiên, đối tượng chính của Tổng thống Biden là công chúng ở trong nước: Ông muốn thuyết phục công chúng Mỹ và đặc biệt là cộng đồng thân Israel. Đó là lí do tại sao hình ảnh Tổng thống Biden ôm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại có sức ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Chuyến đi Trung Đông của ông Biden, người sẽ bước sang tuổi 81 vào ngày 20/11, cũng đưa ra câu trả lời trước những lời chỉ trích không hề tế nhị của Đảng Cộng hòa rằng ông đã quá già để có thể đảm nhiệm nhiệm kì thứ hai.
Ông Biden đã thu hút được một số lời khen ngợi sau bài phát biểu trên truyền hình, trong đó trực tiếp kêu gọi người Mỹ ủng hộ Israel và Ukraine, bao gồm gói viện trợ 100 tỉ USD mà ông dự định sẽ sớm chuyển tới Quốc hội. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo trên thế giới và các giá trị mà nước này thúc đẩy trong lịch sử.
Rõ ràng, các cử tri hiện đang dành cho Tổng thống Biden những đánh giá khá tốt về cách ông xử lí xung đột ở Israel và Ukraine. Tất nhiên, ông Biden vẫn còn một năm để nỗ lực thể hiện - một nhiệm vụ đầy thách thức vì hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đều được quyết định bởi các vấn đề trong nước, thay vì các vấn đề đối ngoại. Hơn nữa, tình hình rất bất ổn và ông Biden có thể gặp tình trạng tồi tệ nếu thương vong ở Gaza gia tăng, cuộc chiến lan rộng, lực lượng Mỹ thiệt mạng, xuất hiện các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc bất kì tình huống tiêu cực nào khác xảy ra…