Tỉnh Vĩnh Long: Chùa Thiên Hậu có dấu hiệu giả tổ chức hội để chiếm đoạt đất
Pháp luật - Bạn đọc 25/07/2020 08:20
Mạo nhận nguồn gốc đất để khởi kiện
Theo phản ánh của ông Đỗ Vĩnh Hưng, ở 4/11, Trần Phú, khóm 3, phường 4. TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, gia đình ông quản lí, sử dụng mảnh đất có diện tích 54,9m2 thuộc thửa 82, tờ bản đồ số 30 tại địa chỉ nêu trên, nguồn gốc do cha mẹ sử dụng từ trước năm 1975 để lại. Sau khi được thừa kế đất và tài sản trên đất của cha mẹ, vợ chồng ông Hưng quản lí, sử dụng đất trên, không tranh chấp với ai.
Ngày 13/12/2011, UBND TP Vĩnh Long ban hành Quyết định 2411/QĐ-UBND về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNỞ) và tài sản khác gắn liền với đất cho 16 hộ dân ở phường 4, TP Vĩnh Long, trong đó có hộ ông Hưng, với diện tích 54,9m2. Sau đó, UBND TP Vĩnh Long cấp GCNQSDĐ, QSHNỞ và tài sản khác gắn liền với đất số CH01838 cho ông Hưng đứng tên.
Theo ông Hưng, diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận (GCN) nói trên được các cơ quan chức năng xét duyệt công khai, đúng quy trình từ địa phương đến cấp thành phố. Trong thời gian cơ quan chức năng xem xét cấp GCN cho ông, không có bất cứ cá nhân, đơn vị nào tranh chấp.
Chùa Thiên Hậu nay đổi thành Miếu Bà Thiên Hậu. |
Thế nhưng, ngày 8/10/2014, chùa Thiên Hậu có địa chỉ đường 30/4, phường 1, TP Vĩnh Long do ông Trần Viên Dung, Chi hội trưởng làm đại diện đã khởi kiện ông Hưng ra TAND TP Vĩnh Long. Trong đơn khởi kiện, đại diện chùa Thiên Hậu nhận diện tích đất mà ông Hưng đã được cấp GCN là của chùa, yêu cầu Tòa buộc ông Hưng phải trả lại diện tích đất này cho chùa. Ông Hưng cho rằng, cha mẹ ông quản lí, sử dụng diện tích đất trên xây cất nhà từ trước năm 1966. Cha mẹ ông Hưng có hùn vốn với một số người Hoa mua đất làm nghĩa địa. Sau đó những người này giao cho cha mẹ ông trông coi.
Sau năm 1975, Nhà nước tiến hành cải cách ruộng đất, các diện tích đất vô chủ bị thu hồi. Cha mẹ ông Hưng do quản lí thực tế và có công nuôi giấu cách mạng nên được công nhận sử dụng đất, tiếp tục xây nhà, sinh sống trên đất rồi cho ông Hưng thừa kế. Điều này hoàn toàn phù hợp với biên bản thẩm định tại chỗ ngày 17/12/2014 của TAND TP Vĩnh Long ghi nhận, trên đất có các công trình xây dựng cũ. Có căn nhà là nhà bếp do cha ông Hưng xây dựng có thời gian khoảng 80 năm, có sửa chữa (năm 2011).
Những công trình trên đất do cha mẹ ông và ông Hưng ở liên tục, không có bất cứ ai tranh chấp, cơ quan chức năng không xử phạt vi phạm trong xây dựng, sửa chữa. Đối với chùa Thiên Hậu, trước và sau năm 1975 tới ngày khởi kiện, chùa này không thực hiện bất cứ quyền quản lí, sử dụng diện tích đất trên ngày nào. Theo Điều 1, Điều 2, Luật Đất đai năm 1993, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Hưng là có cơ sở.
Hội không được thành lập hợp pháp
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, thực tế chùa Thiên Hậu không phải là chùa mà là miếu. Chùa Thiên Hậu cũng không được Giáo hội Phật giáo Vĩnh Long công nhận. Chùa này tự nhận là “chùa” và là chi hội thuộc quản lí của Hội người Hoa TP Vĩnh Long.
Theo đơn xin xác nhận ngày 6/9/2013, do ông Trần Viên Dung, Chi hội trưởng chùa Bà Thiên Hậu kí gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Vĩnh Long xin xác nhận tư cách người đại diện đứng tên khởi kiện. Nội dung thể hiện, Chi hội Chùa Bà Thiên Hậu thuộc Hội người Hoa TP Vĩnh Long.
Theo điều tra của phóng viên, Hội người Hoa TP Vĩnh Long hiện có một văn phòng tại số 64 đường 30/4, phường 1, TP Vĩnh Long. Đây là hội tự phát của nhóm người Việt gốc Hoa cư ngụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hội này không có quyết định thành lập theo quy định của pháp luật. Do đó, vi phạm nghiêm trọng quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lí hội.
Do không được thành lập hợp pháp nên chùa Thiên Hậu không đáp ứng các điều kiện để một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân theo Điều 74, Bộ luật Dân sự năm 2015. Thế nhưng, điều lạ là Tòa án vẫn công nhận hội tự xưng này là nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp đất. Dù tên gọi liên tục thay đổi từ “Chùa Thiên Hậu” thành “Miếu Bà Thiên Hậu”.
Theo ông Hưng, Bản án sơ thẩm số 21/2017/DSST ngày 4 và 7/2017 của TAND TP Vĩnh Long và Bản án phúc thẩm số 195/2017/DS-PT ngày 19/12/2017 của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên diện tích 54,9m2 do ông đứng tên GCN là của chùa Thiên Hậu. Ông Hưng cho rằng, 2 bản án Tòa cố tình phủ nhận quyền quản lí, sử dụng đất hợp pháp của gia đình ông. Không xem xét tính hợp lí của chùa Thiên Hậu có phải là đơn vị kế thừa diện tích đất trên hay không, có đủ tư cách pháp nhân để được chấp nhận khởi kiện hay không…
Do quá nhiều điểm bất hợp lí nên hiện ông Hưng chưa tự nguyện thi hành các bản án trên. Ngày 23/6, ông đã nộp đơn khởi kiện quyết định hành chính của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long ra TAND tỉnh Vĩnh Long. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình Tòa án xem xét giải quyết.
Dấu hiệu giả mạo tài liệu
Theo thông tin Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long và Phòng Nội vụ TP Vĩnh Long, dù có tên gọi là “Hội người Hoa TP Vĩnh Long”, nhưng hội này lại không có quyết định thành lập. Hội này chỉ có một văn bản ghi là Quyết định 25/UBMT/90 ngày 16/2/1990 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Vĩnh Long. Thế nhưng, văn bản này lại là bản photo không có dấu mộc, không tuân theo thể thức của quyết định hành chính. Do vậy, Hội người Hoa TP Vĩnh Long bị nghi vấn giả mạo giấy tờ, cơ quan Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm Điều 211, Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định “Tội giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội”.