Tỉnh Bình Định: Nâng cao chất lượng tham vấn cộng đồng trong báo cáo tác động môi trường
Tin tức 16/10/2024 07:53
Bể lưu chứa rác bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường |
Thanh niên chung tay bảo vệ môi trường |
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 26 Nghị định số 08, ngày 10/1/2022 của Chính phủ, các chủ dự án có dự án thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM phải phối hợp với UBND cấp xã thực hiện và hoàn thành quy định về tham vấn báo cáo TĐMT trước khi nộp hồ sơ báo cáo TĐMT cho cơ quan thẩm định.
Trong các năm 2022 - 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó bao gồm hướng dẫn quy định về tham vấn cộng đồng trong quá trình lập báo cáo ĐTM dành cho cán bộ cấp huyện, xã; tham gia trực tiếp hướng dẫn nội dung này trong lớp bồi dưỡng cấp xã do UBND tỉnh Bình Định tổ chức năm 2023; phát hành Sổ tay điện tử dành cho cán bộ, công chức cấp xã (link: //sotay.binhdinh.gov.vn), trong đó hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, quy trình tiếp nhận và một số vấn đề quan tâm trong quá trình tham vấn cộng đồng.
Các dự án thuộc đối tượng lập báo cáo TĐMT phải thực hiện tham vấn để lấy ý kiến của chính quyền và cộng đồng tại nơi chịu ảnh hưởng của dự án. Thời điểm lấy ý kiến tham vấn sau khi chủ đầu tư lập báo cáo TĐMT và trước khi nộp cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo TĐMT. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo TĐMT.
Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho thấy, thời gian qua, việc thực hiện công tác tham vấn trong quá trình lập hồ sơ báo cáo TĐMT chưa được một số địa phương quan tâm thực hiện đảm bảo theo quy định; còn tình trạng thực hiện hình thức, đối phó, không đảm bảo quy trình, chất lượng; không mời đầy đủ thành phần và không ghi nhận đầy đủ ý kiến của cộng đồng trong quá trình tổ chức cuộc họp tham vấn cộng đồng; còn có tình trạng sao chép nội dung các văn bản trả lời tham vấn của UBND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã.
Nhằm nâng cao chất lượng việc lập và thẩm định hồ sơ môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là thủ tục tham vấn cộng động trong quá trình lập hồ sơ môi trường tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự, thủ tục đối với công tác tham vấn cộng đồng trong quá trình lập báo cáo TĐMT theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng thực hiện hình thức đối phó, không đảm bảo chất lượng và không ghi nhận đầy đủ ý kiến đóng góp của cộng đồng trong hồ sơ tham vấn cộng đồng tại địa phương.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với trường hợp tiếp tay, móc nối và tạo điều kiện thực hiện các hồ sơ môi trường không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ đột xuất đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường; kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục, nhất là công tác tham vấn cộng đồng tại địa phương đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ quy định pháp luật.