Tìm lại gia đình sau 24 năm do đi lạc đường trong mùa dịch Covid
Phóng sự 03/08/2020 14:42
Cuộc trở về không định trước
Nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn gọi điện thông báo người em gái thất lạc 24 năm đang cách ly ở đó, ông Trần Thế Nguyên chia sẻ: “Ngày UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) gửi thông báo về nhà, cho biết đã tìm thấy em gái của tôi trong khu cách ly ở Lạng Sơn, gia đình tôi không ai dám tin. Sau khi lấy số điện thoại để liên lạc với điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, nơi Huệ đang được cách ly và theo dõi sức khỏe, tôi vẫn bán tín bán nghi bởi rất có thể bệnh viện đã có sự nhầm lẫn nào đó. Nhưng khi nhìn tấm ảnh một người phụ nữ gầy gò, ngồi bó gối trên giường bệnh, tôi không kìm được nước mắt bởi tôi nhận ra đó chính là người em gái đã thất lạc 24 năm. Dù không còn những nét của ngày xưa nhưng tôi nhận ra Huệ vì cô ấy có nhiều nét giống những người trong gia đình tôi”.
Ông Nguyên cùng gia đình đón em ở Lạng Sơn. |
Khi được công an Quảng Tây (Trung Quốc) bàn giao cho Việt Nam, bà Huệ và những người khác được đưa vào khu cách ly để phòng chống COVID-19, nhưng do sức khỏe yếu, người phụ nữ này lại được chuyển đến theo dõi tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Những ngày đầu, bà Huệ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên bị kích động, đập phá… Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của bà Huệ đã thuyên giảm. Các bác sĩ đã cố gắng giao tiếp, từ đó khai thác lấy được thông tin địa chỉ gia đình để liên hệ với cơ quan chức năng xác minh, gọi người thân đến đón.
Sau khi hết thời gian cách ly, ông Nguyên đã cùng em gái út và người em rể lập tức đi Lạng Sơn để đón Huệ. Lúc đi, ông Nguyên cũng đã xác định tinh thần nhiều khả năng em gái sẽ không nhận ra những người thân trong gia đình, bởi bà Huệ đã thiếu minh mẫn từ trước khi mất tích.
Bức ảnh của bà Huệ ngày còn trẻ. |
“Vậy mà không ngờ khi nhìn thấy tôi và cô út, cô Huệ đã reo lên rồi gọi tên từng người. Đó thực sự là một kỳ tích” – ông Nguyên nhớ lại.
Do sống ở Trung Quốc nhiều năm và tinh thần cũng không được minh mẫn nên khi được hỏi, bà Huệ không nhớ được gì nhiều.
Việc bà có thể đọc được địa chỉ và họ tên người thân là một điều vô cùng bất ngờ. Nhưng kỳ diệu hơn trong ngày đoàn tụ với người thân, chỉ từ những cái nhìn ban đầu, bà Huệ đã nhận ra anh trai và em gái của mình. Ông Nguyên xúc động cho rằng, có lẽ trên trời cao, bố ông đã hiển linh phù hộ cho anh em ông được đoàn viên.
Trở thành người mất tỉnh táo vì nỗi đau mất con
Ông Nguyên kể lại, ngày còn trẻ bà Huệ cũng như bao cô gái khác, đến tuổi cập kê cũng có nhiều người đàn ông theo đuổi.
Nhưng sau này khi xin vào làm công nhân tại Nhà máy dệt 8/3, như một duyên nợ, Huệ đem lòng yêu thương rồi sau đó kết hôn với một nam đồng nghiệp. Chồng Huệ chân chất nhưng chậm chạp, không linh hoạt như bao người đàn ông khác.
Khi mang thai đứa con đầu tiên, do sức khoẻ của bà Huệ không tốt nên đứa trẻ đã bị sinh non thành ra luôn bị ốm đau, bệnh tật. Do chồng chậm chạp nên mọi việc trong gia đình và chăm sóc con cái đều do một tay bà Huệ cáng đáng. Bao đêm thức trắng chăm con nhưng rồi đứa trẻ vì quá yếu nên đã không qua khỏi. Quá đau xót trước sự ra đi của đứa con đầu lòng nên bà Huệ đã mất tỉnh táo, sau đó bỏ nhà đi lang thang. Chuyện vợ chồng cũng “đường ai nấy đi”.
Trong những tháng ngày lang thang đó, đã có lần bà Huệ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, vì nhiều người tưởng bà là người tâm thần, vô gia cư.
Sau khi được điều trị một thời gian, được bố mẹ đón về ở cùng, bà Huệ đã tỉnh táo hơn nhiều. Nhưng nỗi đau mất con vẫn cứ đeo bám người phụ nữ này khiến bà Huệ chìm đắm trong tuyệt vọng và bệnh tình lại tái phát. Đúng lúc này bà Huệ bị một gã đàn ông bụi đời tán tỉnh, gạ gẫm về ở cùng.
Nhưng chung sống với người đàn ông mới chỉ được một thời gian ngắn thì bà Huệ mất tích. Gia đình đã báo chính quyền địa phương để tiến hành điều tra, nhưng do đây là một kẻ nghiện rượu, nghiện ma túy nặng, lúc nào cũng trong tình trạng không tỉnh táo nên không thể khai thác được thông tin gì về bà Huệ. Và không lâu sau đó người đàn ông này cũng chết do ma túy.
Nghĩ rằng bà Huệ lại phát bệnh đi lang thang như trước, gia đình ông Nguyên đã chia nhau đi tìm khắp các nơi quanh Hà Nội, từ các khu chợ cho đến đình chùa miếu mạo hay các trung tâm bảo trợ nhưng vẫn không có thông tin của em gái.
Bà Huệ và mẹ già 97 tuổi ngày đoàn tụ. |
Những năm sau này, anh chị em của bà Huệ cũng tìm nhiều cách để tìm em, kể cả những cách tâm linh mê tín như xem bói, gọi hồn… nhưng mọi cố gắng đều đổ xuống sông, xuống biển.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào đó mà gia đình ông Nguyên luôn tin rằng em gái mình vẫn còn sống, đang lưu lạc ở nơi nào đó và sẽ có ngày trở về. Bằng chứng cho niềm tin ấy chính là việc mẹ của bà Huệ nhất định không cắt khẩu con gái mình cho dù đã hơn 20 năm trôi qua.
Và đúng như linh cảm của họ, sự trở về của bà Huệ đều là cơ duyên. Trong ngày trở về của mình, bằng những câu từ nửa Việt nửa Trung chắp nối lại, bà Huệ kể rằng mình từng có chồng ở bên kia biên giới.
Một ngày, người chồng này dẫn bà đi thăm họ hàng rồi không rõ vì lý do nào đó, bà Huệ bị lạc đường và cứ thế đi lang thang. Cho đến khi gặp Công an Trung Quốc, được họ đưa lên một chiếc ô tô lớn có nhiều người Việt Nam và trao trả về nước.
Ông Nguyên cũng phải thừa nhận rằng rằng, có lẽ nếu không vì tình hình dịch bệnh, phía bên kia biên giới kiểm soát chặt chẽ hơn, có lẽ gia đình ông sẽ không có cơ hội gặp lại em gái.
Ngày đón bà Huệ trở về nhà đoàn tụ với người mẹ già đã 97 tuổi, gia đình ông cũng có nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn.
Vui vì em gái đã trở về còn buồn vì giờ đây tinh thần bà Huệ không được minh mẫn, khó giao tiếp với gia đình bởi thứ tiếng nửa Việt nửa Trung của mình. Điều ông mong muốn nhất hiện tại, đó là có thể sớm hoàn thành các giấy tờ thủ tục cá nhân bà Huệ để có thể đảm bảo các quyền lợi về y tế, sức khỏe.