Thuốc thử liều cao
Trong mắt người già 24/09/2021 13:30
Nếu không có đại dịch Covid-19, xã hội yên bình, mọi hoạt động theo kế hoạch, ít nảy sinh phức tạp thì rất khó đánh giá được năng lực quản lí, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là đối với người đứng đầu. Người đứng đầu có quyết sách gì thường được đưa ra tập thể bàn bạc, nếu đúng thì mình có công, nếu sai thì tập thể chịu. Vì thế, tình trạng “bệnh thành tích”, “kết quả năm sau cao hơn năm trước”… vẫn có đất để tồn tại và người đứng đầu vẫn đàng hoàng phát triển theo “quy hoạch”.
Thế nhưng từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 thì công tác quản lí, điều hành của hệ thống chính trị và người đứng đầu bộc lộ nhiều bất cập.
Các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền không ít địa phương, đơn vị về công tác phòng chống dịch ra liên tục, dài lê thê mà cấp dưới vẫn “hiểu chưa đúng”, dẫn đến làm sai.
Giao thông ùn ứ trong buổi sáng đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách |
Đơn cử như việc triển khai làm giấy đi đường ở TP Hà Nội cũng phải “quá tam… bốn bận” chưa xong. Rồi chuyện giãn cách xã hội ở Thủ đô cũng rơi vào vòng luẩn quẩn. Hồi tháng 5/2020, huyện Đông Anh có sáng kiến phòng chống dịch theo mô hình khoanh vùng hẹp giãn cách “3 lớp” được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều địa phương học tập. Sang tháng 7/2021, Hà Nội thực hiện khoanh vùng rộng, giãn cách xã hội toàn thành phố kéo dài 2 tháng liền. Bây giờ, theo Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9 của UBND thành phố Hà Nội việc giãn cách lại trở về với khoanh vùng hẹp, nếu như không muốn nói là trở lại mô hình phòng chống dịch “3 lớp”…
Ở một số địa phương khác cũng có sự lúng túng tương tự. Điều đáng buồn là khi bị Thủ tướng Chính phủ truy hỏi về tình hình dịch bệnh ở địa phương thì có cán bộ đứng đầu tỉnh cuống quýt lục tìm tài liệu, người bên trong thì “nhắc vở” mà “diễn” cũng không tròn vai. Cán bộ ở cấp huyện, xã cũng không hơn gì, nhiều người chỉ biết cười trừ, cúi mặt khi bị Thủ tướng nhắc nhở…
Thế mới biết, nếu không có đại dịch Covid-19, không có các cuộc giao ban trực tuyến đến tận đầu mối xã, phường và nếu Thủ tướng Chính phủ không có tác phong làm việc sâu sát thì các vị lãnh đạo kia vẫn “diễn tròn vai” theo “kịch bản” do cấp dưới chuẩn bị sẵn. Họ vẫn đi “thị sát” cơ sở với “cờ giong, trống mở”, để thao thao bất tuyệt những “sáo ngữ” quen thuộc, trong khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Điều này khiến người đứng đầu Chính phủ sốt ruột đến mức phải gay gắt: “Cứ có F0 là phong tỏa, phong tỏa hết 14 ngày vẫn còn F0 lại phong tỏa tiếp. Phong tỏa mà không có mục tiêu, giải pháp xử lí cụ thể thì phong tỏa để làm gì? Phong tỏa đến bao giờ?”.
Đại dịch Covid-19 xảy ra là điều không ai mong muốn và chưa có tiền lệ, nhưng chính nó giúp ta nhận ra chân giá trị của nhiều vấn đề, đặc biệt là về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chủ trì và cơ quan tham mưu giúp việc. Đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần phải rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ của mình. Ai có tài thực sự thì trọng dụng. Ai yếu kém thì kiên quyết thanh lọc. Có như vậy, người dân mới có niềm tin.