Thú sưu tầm xe đạp thời bao cấp của cựu giáo chức xứ Thanh
Đời sống 08/11/2023 09:03
Kỉ vật gắn với một thời gian khó
Ở thời kì bao cấp, một chiếc xe đạp Peugeot (Pháp) có thể đổi được cả căn nhà mặt phố. Cũng bởi vậy nên không có nhiều người sở hữu chiếc xe “hoàng kim” một thời này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thú sưu tầm và chơi xe đạp cổ đang trở lại, đặc biệt là với những người từng sống trong những thập niên huy hoàng của các dòng xe đạp nổi tiếng như: Peugeot, Sterling (Pháp), Favorit (Tiệp Khắc), Diamang (Đức), Phượng Hoàng (Trung Quốc), hay xe đạp Thống Nhất nức tiếng thời bao cấp của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Ngôn bên những chiếc xe đạp cổ của mình. |
Ông Nguyễn Hữu Ngôn bắt đầu sưu tầm những chiếc xe đạp thời bao cấp từ cuối thập niên 90 của thế kỉ trước. Đến nay, cựu nhà giáo xứ Thanh đang sở hữu khoảng 50 chiếc xe đạp cổ. Trong đó, nhiều chiếc lừng danh một thời như: Mercier, Phượng Hoàng, Aviac,... có tuổi đời từ 50 năm đến cả trăm năm.
Ông Ngôn chia sẻ: “Tôi đam mê sưu tầm xe đạp cổ một phần là vì tuổi thơ gắn bó với xe đạp do thường xuyên phải học xa nhà, nhất là những năm học cấp III. Tôi nhớ hồi ấy, người sở hữu xe đạp Phượng Hoàng hay Favorit chỉ đếm trên đầu ngón tay, cả xã chỉ có 1 - 2 chiếc và những người sở hữu chúng thường có điều kiện kinh tế”.
Trong bộ sưu tập xe đạp cũ của mình, ông Ngôn ấn tượng nhất với chiếc xe đạp Thống Nhất do Việt Nam sản xuất những năm 1960 của một cán bộ ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa. Điểm thú vị ở chiếc xe này là không chỉ được giữ gìn gần như nguyên bản mà còn rất rõ ràng về lí lịch, tên tuổi người sử dụng xe.
Theo ông Ngôn, từ thời xa xưa, xe đạp được xem là phương tiện quý giá mà mọi người ai cũng muốn sở hữu. Trong thời chiến, xe đạp dùng để vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường. Xe đạp còn là phương tiện giúp người lao động bớt những khó khăn, giúp học sinh đến trường,...
“Vào những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước, gia đình nào sở hữu một chiếc xe đạp có thể mang lại rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là nguồn lợi về kinh tế. Họ có thể vận chuyển hàng hóa trao đổi buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược rất thuận tiện”, ông Ngôn nói.
Cựu giáo chức cũng tiết lộ, chiếc xe đạp cổ Aviac được ông lưu giữ nhiều năm nay, có người trả giá trên 100 triệu đồng song ông không bán. Hay chiếc Motobecane (thương hiệu của Pháp) cũng từng có người trả giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường
Sưu tầm xe đạp cổ, ông Ngôn không chỉ quan tâm đến hiện vật mà còn đặc biệt chú trọng đến lí lịch của xe cũng như người sử dụng xe, thậm chí là cả những hóa đơn mua hàng thời bấy giờ.
“Với một số người khi sưu tầm xe, họ thường quan tâm đến hiện vật, tuy nhiên vì hăng say tìm hiểu về văn hóa - lịch sử, tôi còn quan tâm đến hồn cốt của chiếc xe gắn liền với tên tuổi của người sử dụng và cả bối cảnh của thời kì ấy. Hiện tại, tôi còn giữ gìn cả những hóa đơn mua hàng, phiếu mua phụ tùng xe thời bao cấp nữa”, ông Ngôn bộc bạch.
Bộ sưu tập xe đạp cổ của ông Ngôn. |
Ngoài hàng chục chiếc xe đạp cổ được giữ gìn tại gia đình, ông Ngôn còn đưa gần 10 chiếc trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về phương tiện giao thông thời bao cấp của giáo viên, học sinh.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đang trưng bày chiếc xe đạp cổ thương hiệu Favorit do ông Ngôn sưu tầm. Ngoài ra, ông Ngôn cho biết, đã vận động gia đình ông Lê Xuân Thảo tặng Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa chiếc xe đạp Sterling của cha mình là ông Lê Xuân Lan, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Hoằng Hóa (1950 - 1954).Đây là chiếc xe từng được ông Lan sử dụng để đi vận động Nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng ngày mới thành lập và ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hiện ông Ngôn là Chủ tịch CLB xe đạp cổ ở Thanh Hóa. Hằng ngày, ông vẫn thường xuyên sử dụng xe đạp để đi chơi, thăm bạn bè. “Thú chơi xe đạp giúp chúng ta cảm nhận được nhiều điều về cuộc sống. Đặc biệt là lan tỏa thói quen rèn luyện sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Ngôn bày tỏ.